Cảnh báo công ty Trung Quốc thao túng cho vay ngang hàng

Bộ KH&ĐT vừa công bố dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” để lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là cảnh báo về tình trạng các công ty cho vay ngang hàng (P2P) nước ngoài đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam. 
Nguy cơ lũng đoạn là hiện hữu
Bộ KH&ĐT nhận định các công ty công nghệ tài chính (fintech) cho vay ngang hàng góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính cũng như phương thức vay vốn đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội
Sản phẩm vay vốn trên nền tảng công nghệ của các công ty cho vay ngang hàng khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo, thời hạn vay ngắn, khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay. Các đối tượng vay chủ yếu là người lao động trẻ, thu nhập thấp, không tiếp cận được tín dụng chính thức, có sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Quy mô khoản vay thường chỉ 1-30 triệu đồng, các món vay lớn trên 50 triệu đồng chiếm tỉ lệ thấp. Đối với doanh nghiệp, khoản vay có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Về thời gian vay vốn thường ngắn, dưới một năm, trong đó tập trung vào kỳ hạn 7, 10, 20, 30 ngày.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ tài chính cũng như cho vay ngang hàng chưa có thể chế để quản lý hoặc còn rất sơ khai. Chính vì vậy, các công ty P2P hiện đăng ký ngành nghề kinh doanh là kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính. Họ cũng tự nhận là công ty cho vay ngang hàng cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến. 

Đã có 300 công ty 

Ngân hàng Nhà nước cho hay đến nay đã có khoảng 100 công ty cho vay ngang hàng và 200 công ty công nghệ tài chính, chủ yếu có nguồn gốc nước ngoài. Trong số khoảng 100 công ty cho vay ngang hàng có cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm. Điển hình như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan...  

Biến tướng
Dự thảo của Bộ KH&ĐT nhìn nhận một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình kinh doanh cho vay ngang hàng để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…; đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân.
Điều này tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, an sinh xã hội. Các cơ quan nhà nước cũng đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát để phòng, chống hiệu quả nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố…

Hoạt động cho vay ngang hàng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016 và hiện có khoảng 100 công ty. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đáng chú ý, trong bối cảnh một số quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Indonesia... đang tăng cường quản lý thì các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam. 
“Thị trường dịch vụ cho vay ngang hàng đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore… chi phối. Cũng như các mô hình kinh tế chia sẻ khác, nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và lũng đoạn là hiện hữu” - Bộ KH&ĐT cảnh báo. 
Chưa có hành lang pháp lý
Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất và Chính phủ đang xây dựng nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính, cho vay ngang hàng để làm cơ sở thực tiễn xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với loại hình kinh doanh này trong thời gian tới. 
Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, kể cả khi Nhà nước có chính sách, khuôn khổ pháp lý thì cho vay ngang hàng cũng như công nghệ tài chính vẫn có rủi ro vì môi trường quản lý không như kỳ vọng, nhiều công ty có thể phải dừng hoạt động hoặc phá sản. 
Với nhà đầu tư, rủi ro mất tiền có thể xảy ra khi người đi vay mất khả năng thanh toán hoặc công ty cung cấp sàn giao dịch cho vay ngang hàng gặp rủi ro hoạt động. Đơn cử như không xác định được chính xác thông tin khách hàng, mất hoặc không truy cập được thông tin thay đổi của thành viên tham gia sàn giao dịch. 
“Nếu cơ quan quản lý không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kinh doanh trong lĩnh vực này, công ty nước ngoài có thể chi phối hoàn toàn thị phần. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động thì có thể gia tăng rủi ro nợ xấu” - Bộ KH&ĐT cảnh báo.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Cần có ngay hành lang pháp lý

Hình thức cho vay ngang hàng tại Việt Nam đang bị pháp luật bỏ trống, do đó có không ít đối tượng đã lợi dụng mô hình này và biến tướng gây bất ổn tới an ninh kinh tế và xã hội. Thay vì làm trung gian kết nối giữa bên cho vay với người vay, đã có những công ty cho vay ngang hàng tiến hành huy động vốn để cho vay tràn lan, gây mất khả năng thanh toán hoặc chiếm dụng vốn, lừa đảo... 

Thậm chí có công ty dán mác cho vay ngang hàng nhưng thực chất lại núp bóng của hình thức cho vay lãi nặng. Mức lãi suất cho vay cao khủng khiếp với phương thức đòi nợ không khác gì xã hội đen.

Hiện nay, nhà đầu tư rất khó phân biệt được đâu là công ty hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng chuẩn và đâu là trá hình. Thêm vào đó, không ít nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lãi suất mà không tìm hiểu xem tính minh bạch của công ty cho vay ngang hàng. Với người đi vay, họ cũng chỉ quan tâm đến việc làm sao để vay được nhanh và thuận tiện mà không biết rằng có thể mình đã sập bẫy tín dụng đen. 

Việc kéo dài khoảng trống pháp lý đối với cho vay ngang hàng càng lâu sẽ càng khiến thị trường này trở nên hỗn loạn và có nguy cơ tạo ra những hậu quả khó lường cho xã hội.

THÙY LINH 


Nở rộ công ty cho vay ngang hàng
Nở rộ công ty cho vay ngang hàng
(PLO)- Việt Nam có khoảng 154 công ty hoạt động trong mảng Fintech thì có 25 công ty hoạt động trong mảng cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, thực tế con số đó có thể cao hơn nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm