Đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến với thu nhập từ tiền lương, tiền công

(PLO)- Tránh tình trạng đầu cơ bất động sản, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Áp thuế để chống đầu cơ bất động sản

Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đã đưa ra một số nội dung đáng chú ý về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS).

Bộ Tài chính nêu rõ, chính sách thuế TNCN hiện hành của nước ta không phân biệt theo thời gian nắm giữ BĐS của người chuyển nhượng.

Theo cơ quan quản lý, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ BĐS trong nền kinh tế, trong đó có thuế TNCN.

Ngoài ra, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch BĐS phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.

Như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch BĐS thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%; thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%; trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.

Thuế thu nhập cá nhân
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu. Ảnh: MINH TRÚC

Từ thực tế trên, nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng tại các nghị quyết, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính cho rằng, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với TNCN từ chuyển nhượng BĐS theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước.

"Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản", Bộ Tài chính nêu. Theo cơ quan này, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở và hạ tầng công nghệ thông tin.

Có thể cắt giảm số bậc thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân

Cũng tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.

Theo Bộ Tài chính, hiện Khoản 2 Điều 22 Luật thuế TNCN quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.

Qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Tờ trình cho biết việc áp dụng thu thuế TNCN theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Theo đó, hầu hết các nước đều áp dụng biểu thuế lũy tiến có nhiều bậc khác nhau để áp dụng thu thuế theo các mức khác nhau đối với các nhóm người nộp thuế có mức thu nhập khác nhau, qua đó, đảm bảo tính công bằng theo chiều dọc của chính sách thuế (số thuế phải trả tăng theo sự gia tăng thu nhập).

Xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là thực hiện đơn giản hóa biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong biểu thuế.

Cụ thể, biểu thuế của Indonesia bao gồm 5 bậc thuế với các mức thuế suất 5%, 15%, 25%, 30% và 35%; của Philippines bao gồm 5 bậc thuế với các mức thuế suất 15%, 20%, 25%, 30%, 35%; một số quốc gia như Malaysia cũng đã giảm số bậc thuế từ 11 bậc (năm 2021) xuống 9 bậc (năm 2024).

Vì vậy, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp.

Cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm