Có tới 76% doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ
Sáng 3-10, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi toạ đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay” nhằm lắng nghe những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (DN) cũng như tiếp nhận những kiến nghị giải pháp phục hồi thúc đẩy kinh tế TP.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho biết mới đây hiệp hội có một cuộc khảo sát nhỏ cho thấy số lượng DN trở lại trạng thái bình thường chiếm khoảng 5%, số DN vượt qua những khó khăn bước đầu chiếm 9%, khó khăn còn nghiêm trọng là 40%. Số DN khó khăn và rất khó khăn chiếm 84%.
Về nguyên nhân khó khăn, 40% DN được hỏi trả lời là do thiếu vốn, 14% khó khăn là do đứt gãy các chuỗi cung ứng, 88% DN bị thu hẹp thị trường. Ngoài ra, có 52% DN được hỏi cho biết đã cắt giảm lao động vì khó khăn.
Theo ông Dũng, bức tranh chung của DN TP.HCM gồm có 4 nhóm. Nhóm 1 là những DN hoạt động và hoạt động có hiệu quả, có lãi. Chủ yếu nằm ở tài chính, ngân hàng, lương thực thực phẩm, chế biến, thiết bị máy móc, phòng chống dịch, đồ gỗ, CNTT, hạ tầng kỹ thuật...
Số lượng DN thuộc nhóm này chiếm khoảng 10-15%. Nhóm 2 là những DN đang duy trì hoạt động, chờ cơ hội phục hồi chiếm chừng 20%.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho biết chỉ có 20% số lượng DN hấp thụ được các gói hỗ trợ tín dụng, hầu hết đều không tiếp cận được.
Nhóm 3 là những DN năng lực sản xuất cạn kiệt, suy yếu về tài chính, nhân lực, thị trường bị thu hẹp quy mô, cung ứng đứt gãy, thu hẹp thị trường... Nhóm DN này đang thua lỗ, ngừng hoạt động chủ yếu nằm trong ngành du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, bất động sản,... chiếm tới 40-50%.
Nhóm 4 là DN nhỏ, siêu nhỏ không đủ năng lực phải ngừng sản xuất, chấm dứt hoạt động chiếm 20%.
Kết quả các DN tiếp cận gói chính sách, ông Dũng cho biết có tới 76% DN được hỏi chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này của nhà nước. Chỉ có 10% DN đã tiếp cận ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay... 5% DN tiếp cận tạm ngừng đóng hưu trí, chưa có DN nào được gói vay lãi suất 0%.
Hầu hết DN không tiếp cận được gói vay hỗ trợ để trả lương lao động vì DN lo thủ tục để vay được gói này còn khó hơn vay bình thường. Ngân hàng chủ yếu cho vay khách hàng quen, còn khách hàng mới rất ít.
Trông chờ lớn nhất của DN là được “bơm máu” từ ngân hàng, các điều kiện cần thuận lợi hơn. Chính sách chưa thể hiện chia sẻ rủi ro cùng DN, chậm và không hát huy được các tác dụng. Theo ông Dũng, các gói chỉ hấp thụ được khoảng 20%.
Kiến nghị để phục hồi, thúc đẩy kinh tế TP.HCM, ông Dũng cho biết TP quyết liệt đồng hành, chia sẻ, rủi ro cùng DN để các gói hỗ trợ tới tay DN, mới có thể thúc đẩy kinh tế.
Thứ hai, TP nên đẩy mạnh kích cầu du lịch, mua sắm tiêu dùng. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cải thiện các điều kiện cho vay, có thể cho DN vay bằng cách thẩm định các nguồn thu dòng tiền, phương án kinh doanh, tín chấp...
Ngoài ra, cần gia hạn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thêm 12 tháng; hỗ trợ đào tạo lại nhân lực của DN cần có sự tiếp sức của TP. Bên cạnh đó, TP cần hỗ trợ triển khai chuyển đổi số trong cộng đồng DN.
"Về gói hỗ trợ tiếp theo, TP.HCM cần thực sự đồng hành DN lâu dài để phục hồi sản xuất, đề xuất ngân hàng mở rộng các điều kiện, giảm lãi suất cho vay, DN được vay nhiều hơn, lãi suất thấp hơn, điều kiện thuận lợi hơn. Đặc biệt, DN đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần hạn chế kiểm tra, thanh tra trong đợt dịch này để DN ổn định sản xuất kinh doanh", ông Dũng nói.
DN hiến kế để khôi phục, phát triển TP.HCM tại toạ đàm sáng 3-10.
Theo ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hiệp hội DN quận 1, ách tắc lớn nhất là thủ tục hành chính cần tháo gỡ, tạo thuận lợi thì sẽ có dòng vốn chảy vào thị trường rất lớn. Vốn có rồi, tiền có rồi nhưng thủ tục vướng khiến hàng chục dự án không triển khai được.
"Về giáo dục, y tế vẫn tăng trưởng, thì TP.HCM cần có chính sách riêng trong việc cấp thủ tục đầu tư, phát triển hơn nữa… Cơ hội chuyển đổi số, xin thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo tại TP.HCM để mời các chuyên gia trong nước, nước ngoài tham gia", ông Trí nói.
Theo ông Trí, gói hỗ trợ từ nhà nước, DN cũng cũng không mong chờ, DN chỉ cần các sở ban ngành tháo gỡ nhanh thủ tục hành chính, và chọn ra 30 DN làm thí điểm thực hiện, sau đó triển khai ra cộng đồng DN TP.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá rất cao vai trò của hiệp hội DN vì hiện nay TP cũng chưa nắm hết hoạt động DN. Sắp tới, TP sẽ có các giải pháp để phát huy vai trò của các hiệp hội.
Theo ông Phong, TP.HCM đã thành lập Hội đồng phát triển kinh tế ngành không chỉ gồm lãnh đạo sở ngành, mà có cả chuyên gia, cả hiệp hội, DN tham gia. Từ đó, TP tập hợp được nhiều đóng góp, đề xuất giá trị, thiết thực hơn, có những giải pháp kịp thời, hiệu quả để khôi phục, phát triển kinh tế TP.HCM.