Đau đầu với thưởng tết

Thời điểm này năm 2019, các doanh nghiệp đã rầm rộ công bố thưởng tết cho nhân viên, trong đó không ít đơn vị thưởng khủng cả ô tô cho người lao động. Năm nay, do khủng hoảng dịch COVID-19 kéo dài nên các đơn vị kinh doanh khá dè dặt, thậm chí chưa bàn đến chuyện thưởng dù tết đã đến gần. 
Còn chờ kết quả kinh doanh 
Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thường công bố thưởng tết khá sớm để công nhân yên tâm làm việc, bởi quỹ thưởng tết đã được hoạch toán từ trước đó. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 12 năm nay, công ty vẫn chưa có thông tin về thưởng tết cho khoảng 62.000 công nhân. 
Đại diện công đoàn của công ty này cho biết tết năm ngoái công ty thưởng 1-2,2 tháng lương. Tổng số tiền thưởng khoảng 600 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ vé xe, quà tết cho công nhân. “Năm nay, do dịch bệnh tác động kéo dài gần cả năm nên ban lãnh đạo công ty vẫn chưa đưa ra mức thưởng tết” - đại diện Công ty PouYuen giải thích. 
Tương tự, Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, chuyên về lĩnh vực điện tử ở Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM, lâu nay luôn nằm trong tốp các đơn vị công bố thưởng tết khá sớm nhưng năm nay vẫn chưa có thông tin chính thức. Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: Hiện công ty vẫn chưa đưa ra mức thưởng tết cụ thể vì còn chờ kết quả kinh doanh của hai nhà máy còn lại.
 “Tết năm ngoái, công ty thưởng tết cho người lao động hai tháng lương. Hiện phía công đoàn đã kiến nghị ban lãnh đạo công ty thưởng tết năm nay ngang bằng với năm ngoái” - bà Vân nói. 
Cũng theo bà Vân, ngoài chương trình thưởng tết, công ty cùng công đoàn khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM hỗ trợ vé xe, tàu và máy bay cho công nhân về quê đón tết. Có điều số công nhân có nhu cầu về quê năm nay ít hơn so với các năm trước.

Chăm lo cho người gặp khó khăn

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn trước ngày 27-12. 

Hiện nay, công đoàn các địa phương cũng đang tích cực triển khai tổ chức nhiều chương trình nhằm chăm lo cho người lao động gặp khó khăn, đặc biệt là với nhóm lao động bị cắt giảm hoặc mất việc làm. 

Lỗ cũng ráng thưởng tết 
Trong khi nhiều công ty chật vật với bài toán thưởng tết thì nhiều công ty cam kết thưởng tết dù nhiều hay ít. Công ty TNHH Hansae Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực may mặc khẳng định vẫn duy trì mức thưởng tết một tháng lương. Chủ tịch Công đoàn công ty Võ Văn Hùng cho biết thêm năm nay dù lỗ nhưng công ty vẫn thưởng tết bằng tháng lương 13 cho 18.000 công nhân tại ba nhà máy ở TP.HCM, Tiền Giang và Tây Ninh. 
Người đứng đầu tổ chức công đoàn công ty này giải thích rằng thưởng tết đã được đưa vào thỏa ước lao động tập thể, do vậy dù có lỗ vẫn phải thưởng cho người lao động. Hơn nữa, giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty có chững lại chút ít, song những tháng gần đây đơn hàng khá dồi dào, đảm bảo công việc ổn định cho cán bộ, nhân viên. 

Nhiều doanh nghiệp ngành may mặc, kỹ thuật vẫn duy trì mức thưởng tết 1-3 tháng lương. Ảnh: PHONG ĐIỀN

“Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh kéo dài nên số lượng công nhân đăng ký vé xe về quê đón tết khá ít, một phần do công nhân ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã chuyển về quê làm việc. Cùng đó, bão lũ thiệt hại nhiều nên nhiều người ở lại TP.HCM ăn tết, thay vì về quê nhiều như các năm trước” - ông Hùng thông tin thêm. 
Đại diện Công ty HH kim loại Sheng Bang và Công ty TNHH Công nghiệp Boss cũng phấn khởi thông tin: Dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn khá tốt. Hàng đều đặn xuất đi các nước, nhờ đó mức thưởng tết vẫn giữ nguyên ba tháng lương như các năm. Ngoài ra, công đoàn còn tặng quà tết cho người lao động. 
Nhiều hình thức thưởng tết
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động tiền công, tiền lương thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết đơn vị này đã có công văn đề nghị các công ty báo cáo về tình hình lao động, tiền lương và tiền thưởng. Có điều do khủng hoảng dịch bệnh nên số lượng đơn vị phản hồi còn hạn chế.
“Nhìn chung năm nay khó có mức thưởng tết đột biến như năm ngoái. Nguyên nhân chính do khủng hoảng dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn” - ông Năm nhận định. 
Theo ông Năm, một điểm mới của Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ 1-1-2021 là cho phép công ty xây dựng quy chế thưởng cho người lao động. Theo đó, không chỉ thưởng tết bằng tiền mà có thể thưởng bằng sản phẩm, hiện vật dựa trên mức độ hoàn thành công việc và hiệu quả kinh doanh. Ví dụ, người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật như phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch hay bằng chính hàng hóa, dịch vụ của công ty thay vì tiền mặt.
“Dù quy định như vậy, song tôi cho rằng các ông chủ công ty không nên vịn nào điểm mới này để thưởng cho người lao động những sản phẩm kém chất lượng, không hữu ích” - ông Năm lưu ý. 
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng năm nay dù khó khăn nhưng có một số lĩnh vực vẫn phát triển khá tốt như thương mại điện tử, bất động sản
“Doanh nghiệp đủ việc làm thì họ vẫn cố gắng để thưởng tết cho người lao động sau một năm vất vả và cũng là để tri ân, giữ chân người lao động. Nhưng mức thưởng sẽ không đột biến, cơ bản vẫn chỉ là tháng lương thứ 13, đó cũng là nỗ lực rất lớn và thể hiện trách nhiệm của chủ sử dụng với người lao động” - ông Quảng nói.

Hàng không, du lịch… thưởng tết buồn

Khảo sát nhanh của PV cho thấy năm nay các lĩnh vực như cơ khí, thương mại điện tử, kinh doanh online, công nghệ thông tin, kinh doanh thực phẩm…, mức thưởng tết có thể cao hơn hoặc bằng năm ngoái. Ngược lại, ngành hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nên chưa có thông tin về thưởng tết. 

Thậm chí một số hãng hàng không cắt giảm lao động và bố trí luân phiên nhân viên làm việc để đảm bảo ai cũng có việc làm. Tương tự, đại diện các công ty du lịch cũng than thở chưa biết tính toán từ nguồn nào để thưởng cho người lao động vì đây là năm du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do lượng khách sụt giảm chưa từng có, trong khi các công ty phải giảm giá, khuyến mãi để kích cầu nên hiệu quả kinh doanh rất thấp.

Nhiều công ty du lịch, hàng không thừa nhận năm nay là một năm rất khó khăn nên mong nhận được sự chia sẻ của công nhân viên. Đặc biệt, mức thưởng tết bao nhiêu cần phải hài hòa lợi ích giữa các bên, dựa trên khả năng cân đối tài chính của công ty và đảm bảo được quyền lợi của người lao động.  


Báo cáo tiền lương, thưởng tết trước 27-12
Báo cáo tiền lương, thưởng tết trước 27-12
(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn trước ngày 27-12.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm