Dệt may 2021: Miền Bắc thắng lớn, miền Nam lao đao

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2021 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chiều 17-12, ông Bùi Văn Tiến, Giám đốc Công ty CP may Việt Tiến đánh giá:

"Năm nay miền Bắc thắng lớn, miền Trung khá, miền Nam hoàn toàn thất bại. Chỉ bốn tháng, dịch COVID-19 đánh rớt hoàn toàn các chỉ tiêu phát triển của chúng tôi nói riêng và nhiều doanh nghiệp khác. Công ty chúng tôi đang rải ở 8 tỉnh, thành phố thì ảnh hưởng hết 100%, nhiều đơn vị phải tái cấu trúc, phá sản".

Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công cho biết, công ty ông có hệ thống sản xuất khép kín từ sợi, dệt, nhuộm, làm may, nhưng trong giai đoạn COVID-19 vẫn vô cùng khó khăn.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam qua các năm. Nguồn: VITAS

Trong giai đoạn làm 3 tại chỗ, Dệt may Thành Công vẫn cố gắng bám trụ lo cho 2.500 người lao động sản xuất. Công ty không thể đóng cửa, vì đóng cửa còn tồi tệ hơn là tiếp tục hoạt động. Tất cả mọi người đều hi vọng vào quý 4 khi dịch được kiểm soát, người lao động quay trở lại công ty. Nhưng rồi hàng loạt khó khăn khác lại bủa vây khi chi phí logistics, chi phí giao hàng... tăng lên.

"Các nhãn hàng yêu cầu ngày càng cao hơn về phát triển bền vững, về con người, về môi trường nhưng giá lại không tăng theo tương ứng. Tôi mong rằng các nhãn hàng nếu xem thị trường Việt Nam là đối tác lâu dài thì cần chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam" - ông Tùng nói.

Ông Lưu Tiến Chung, Tổng giám đốc CTCP Tổng công ty May Bắc Giang LGG nhận định, dịch bệnh COVID-19 kết hợp địa chính trị của Trung Quốc, Mỹ, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang diễn ra, chúng ta không chỉ đối mặt với câu chuyện trước mắt mà cần quan tâm về lâu dài. Qua tiếp xúc với một số nhãn hàng lớn, người ta xác định Ấn Độ sẽ là nơi họ sẵn sàng đầu tư. Đây là thị trường đông dân và rất hấp dẫn.

Do đó ông Chung cho rằng Hiệp hội dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương phải quan tâm đến vấn đề này và có định vị trong chiến lược dệt may Việt Nam.  

"Vậy quá trình, tương lai dệt may Việt Nam là như thế nào? Như Hàn Quốc, họ có quá trình đổ bộ ra nước ngoài như thế nào? Với Trung Quốc, bây giờ đang bắt đầu quá trình đổ bộ của họ ra nước ngoài. Họ sẵn sàng mua nhà máy ở Việt Nam. Vậy họ sẽ đổ bộ đến đâu, quá trình họ kiểm soát dệt may thế giới thế nào, ảnh hưởng đến các tập đoàn lớn của ngành dệt may trong nước thế nào, chúng ta cần có nghiên cứu về vấn đề này" - ông Chung nói.

Theo báo cáo của VITAS, năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vẫn ước đạt hơn 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều có sự tăng trưởng, ngoại trừ xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cũng phù hợp khi nhu cầu dệt may của Nhật Bản chưa phục hồi trở lại.

Năm 2022, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý 1, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 41,5-42,5 tỷ USD; dịch phức tạp đến giữa năm thì còn 40-41 tỷ USD. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến cuối năm dự kiến chỉ đạt 38-39 tỷ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm