Đồ chơi trẻ em: "Trận địa" bỏ ngỏ

Đồ chơi Trung Quốc chiếm thế "thượng phong" trên thị trường.
Đồ chơi Trung Quốc chiếm thế "thượng phong" trên thị trường.

Thua từ kiểu dáng, chủng loại...

Chỉ cần dạo qua một vòng các điểm kinh doanh đồ chơi trên các tuyến phố: Lương Văn Can, Hàng Lược, Chả Cá, chợ Đồng Xuân (HN), hay khu vực chợ Bình Tây, đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM), có thể thấy sức tiêu thụ đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em lớn đến chóng mặt. Trung bình mỗi cửa hàng đồ chơi có từ 200-800 món đồ chơi khác nhau, tính năng và chất liệu đồ chơi cũng khá đa dạng.

Điều đáng nói là trong "rừng" đồ chơi ấy, lượng đồ chơi TQ chiếm tỉ lệ nhiều nhất và cũng bán chạy nhất, trong khi đó nhiều món đồ chơi VN bị để bụi, nằm khiêm tốn tại một góc sạp hàng ít ai hỏi tới.

Bà Nguyễn Thị Việt - chủ cửa hàng đồ chơi số 1 phố Chả Cá (HN) - nói: "Chúng tôi cũng muốn bán đồ chơi VN, nhiều lần nhập nhưng để cả tháng trời không ai hỏi tới. Chán quá, nhiều cửa hàng lại trả lại đồ chơi cho nhà sản xuất".

Trong khi phần lớn đồ chơi sản xuất trong nước chỉ quanh quẩn các sản phẩm như bóng, bộ chữ cái, bộ xếp hình, các đồ vật trong gia đình bằng nhựa, đồ chơi trên cát, búpbê đơn giản... thì các sản phẩm đồ chơi TQ thật phong phú, đa dạng như ôtô các loại, siêu nhân, xe lửa, máy bay, đĩa bay, súng laser...

Không chỉ nghèo nàn về loại sản phẩm, đồ chơi sản xuất trong nước còn thua cả về chất liệu, kiểu dáng và chức năng. Chẳng hạn như mặt hàng ôtô, các sản phẩm của TQ đủ kiểu ôtô chạy bằng pin có đèn nhấp nháy, nhạc, biết mở cửa, mở mui xe, đi tránh vật..., thậm chí có cả ôtô vừa là ôtô, vừa có thể biến thành siêu nhân biết đi trên 2 bánh xe sau.

Trong khi đó, các loại đồ chơi ôtô sản xuất trong nước hầu như chỉ là ôtô nhựa chạy bằng dây cót hoặc dây kéo, hầu như chưa có sản phẩm ôtô chạy bằng pin cạnh tranh với hàng của TQ.

Mặt hàng búpbê, tuy kiểu dáng đã cải tiến, đẹp hơn trước nhưng hiện các nhà sản xuất VN cũng chỉ dừng ở các sản phẩm búpbê nhựa biết chớp mắt, điều chỉnh vị trí tay - chân. Trong khi đó, búpbê của TQ thì có thể bò, đi, hát, bú sữa...

Chủ cửa hàng đồ chơi Hương Liên - đường Vườn Chuối (Q.3, TPHCM) - cho biết: "Tuy cùng là một loại sản phẩm nhưng chất liệu, màu sắc giữa sản phẩm VN và ngoại nhập cũng rất khác nhau. Ví dụ sản phẩm bóng nhựa, hàng của các cơ sở sản xuất trong nước màu sắc không tươi, nhựa cứng, còn hàng của Trung Quốc thì dùng nhựa dẻo, màu tươi đẹp hơn nhiều".

9/10 phụ huynh được hỏi đều cho rằng đồ chơi TQ giá thành rẻ, bắt mắt, đánh vào tâm lý của trẻ, cập nhật thông tin hoạt hình tốt. Rôbốt xuất hiện trên phim ảnh chỉ một thời gian ngắn đã có mẫu đồ chơi tương tự.

Các loại đồ chơi VN còn mang tính "bác học", phục vụ nhu cầu sử dụng trong trường học với mục đích giáo dục cao mà chưa tính tới nhu cầu phát triển trí tuệ của trẻ, các phương tiện, vật dụng xung quanh cuộc sống.

Chị Đỗ Thị Thuý - số 2 Lê Phụng Hiểu (HN) - nói: "Trước đây, gia đình tôi chỉ mua cho con đồ chơi VN vì cho rằng an toàn cho con là trên hết. Nhưng khi thấy bạn hàng xóm có các loại máy bay, ôtô đồ chơi TQ, con tôi nhìn rất thèm và có hôm cháu mơ được có một chiếc ôtô như của bạn.

Nghe con nói mớ trong đêm tôi mới hiểu "cái lý" rất tự nhiên của con trẻ. Nên chăng các nhà sản xuất đồ chơi VN nên đặt mình vào vị trí của trẻ khi thiết kế các mẫu đồ chơi".

Còn chị Đỗ Thanh Hương - 240 Minh Khai (HN) - thì cho rằng: "Đồ chơi VN mang tính bác học cao mà các cháu nhỏ thì thích các vật dụng xung quanh cuộc sống hoặc đã xuất hiện trong cuộc sống của mình. Đây là điều các hãng sản xuất đồ chơi nước ngoài thực hiện tương đối tốt".

Đồ chơi TQ còn chiếm lĩnh thị trường bởi yếu tố giá bán sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Hiền - chủ cửa hàng đồ chơi 38 Lương Văn Can (HN) - cho biết: "Nếu sản xuất chiếc ôtô cỡ bằng hộp diêm, các cơ sở sản xuất TQ chỉ mất chi phí khoảng từ 1.000 đồng, về VN giá thành chiếc ôtô đó là 2.000 đồng nhưng nếu cơ sở VN sản xuất ra chiếc ôtô như thế chắc chắn giá thành phải hơn 10.000 đồng vì dây chuyền sản xuất của VN nhỏ, chất liệu xấu, mẫu mã không có".

Một chủ cơ sở sản xuất đồ chơi nhựa trẻ em tại quận 8 (TPHCM), nay đã ngừng hoạt động, thừa nhận: "Do sản xuất với số lượng nhiều, xuất khẩu đi các nước trên thế giới, có cả một công nghiệp sản xuất đồ chơi nên sản phẩm đồ chơi TQ có giá bán khá rẻ, chiếm ưu thế cạnh tranh được với các cơ sở sản xuất của ta".

Đây cũng chính là lý do khiến số lượng các cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em của nước ta không nhiều và không tăng lên.

... đến khâu tiếp thị, phân phối

Tại TPHCM, số lượng cơ sở, DN sản xuất đồ chơi trẻ em thành đạt chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó, số lượng DN nhập khẩu, phân phối mặt hàng này lại chiếm đa số, tăng dần trong vài năm gần đây.

Cô Phan Thị Mỹ Ngọc - Trưởng điều hành hành chính Trường quốc tế Saigon Star - cho biết: "Nhà trường thường xuyên nhận được các thông tin giới thiệu sản phẩm đồ chơi trẻ em của các Cty nhập khẩu.

Hình thức giới thiệu qua nhiều dạng như gửi thông tin qua đường bưu điện, email, điện thoại liên hệ... Phần lớn sản phẩm được chào mời là hàng nhập khẩu. Hoạt động tiếp thị của các đơn vị sản xuất VN ít hơn hẳn".

Mặt khác, khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm đồ chơi VN còn nhiều hạn chế nên sản phẩm chưa tiếp cận nhiều đến người tiêu dùng.

Ông Võ Văn Đức Tám - Giám đốc Cty nhựa Chợ Lớn - tuy là đơn vị đã gặt hái được thành công trong việc sản xuất các loại xe điện 2,3,4 bánh cho trẻ em, cạnh tranh được với hàng nhập khẩu cũng cho rằng:

"Cùng sản phẩm xe điện, sản phẩm của VN có giá khoảng 70% hàng TQ, kiểu dáng đa dạng không thua kém hàng ngoại nhập. Thế nhưng do quảng bá, tiếp thị hạn chế nên nhiều người vẫn chưa biết có sản phẩm của VN trên thị trường.

Để khắc phục điều này, các DN VN cần phải tăng cường các hình thức quảng bá sản phẩm, tiếp thị đến khách hàng là các trường học, bậc phụ huynh..., đồng thời với việc mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm."

Tuy nhiên, không phải DN, cơ sở sản xuất trong nước nào cũng đủ tiềm lực về tài chính để có thể thực hiện các biện pháp trên để tăng cường mẫu mã sản phẩm, tiếp thị sản phẩm đến NTD.

Mộng Thoa - Xuân Long( Theo Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm