Doanh nghiệp không thể tiếp tục ba tại chỗ
Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vifon cho biết, công ty đã thực hiện ba tại chỗ đến nay được một tháng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề như tăng chi phí, tâm lý công nhân và năng lực sản xuất giảm chỉ còn 45% do số lượng công nhân từ 1.300 người nay chỉ còn gần 500.
Điều này đã dẫn đến sản lượng sản xuất giảm rất nhiều, kéo theo công ty nợ các đơn hàng. Bên cạnh đó, công ty ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu rất tốt nếu không đủ hàng đáp ứng theo hợp đồng sẽ bị phạt rất nặng, nguy cơ mất thị trường.
“Công ty mong muốn đối với DN sản xuất thực phẩm thiết yếu xem xét có cần ba tại chỗ hay có hướng khác để DN có thể khôi phục sản xuất 100%” - bà Mai nói.
Tương tự bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cũng thay mặt DN nhiều ngành chứ không riêng mì ăn liền kiến nghị nên nghiên cứu không tiếp tục thực hiện ba tại chỗ nữa. Thay vào đó để các DN nhà máy tự chủ, phối hợp theo bộ quy tắc ứng xử DN quản lý để không xảy ra dịch… “Nếu tiếp tục ba tại chỗ, DN không tiếp tục nổi nữa” - bà Chi nói.
Theo bà Chi, qua trao đổi với các DN có đơn vị cho biết sẽ tổ chức 2/3 người lao động và đảm bảo điều kiện phòng dịch chứ không thể tổ chức sản xuất 100% công nhân.
Đồng thời, tuyên truyền cho công nhân khi trở về nhà phải hạn chế tiếp xúc, ra ngoài. Công ty sẽ đi chợ hàng ngày giúp công nhân.
Ngoài ra, một số DN tính theo hướng nếu sản xuất với 50% lao động, sau 15 ngày đổi ca một lần… Điều quan trọng là công nhân phải được tiêm đầy đủ vaccine để yên tâm trong sản xuất.
Chia sẻ với DN, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói nói: “Khi Bắc Giang, Bắc Ninh đưa ra ba tại chỗ tôi nói ngay DN chỉ thực hiện được tối đa trong hai ba tuần. Tôi cũng nhắc TP.HCM ngay từ đầu là không bê nguyên mô hình ba tại chỗ của Bắc Giang, Bắc Ninh vào được. Đó chỉ là giải pháp tạm thời mà hiện nay thành phố đã trải qua hơn tháng chống dịch.”
Phó thủ tướng kêu gọi các DN hiến kế phương thức tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả, an toàn.
Phó thủ tướng gợi ý đối với DN cần phân loại ra nhà máy nào buộc phải duy trì sản xuất, nhà máy nào cần duy trì sản xuất, nhà máy nào khuyến khích duy trì sản xuất.
Trong đó, những DN như Vissan, Vifon buộc phải duy trì sản xuất, nhóm này nên coi như tuyến đầu ưu tiên tiêm vaccine.
Quan trọng là nên cho DN tuyến đầu chủ động thuê dịch vụ chăm sóc y tế cho công nhân. Bất kể ai có triệu chứng phải có bác sĩ thăm nom ngay, trong mùa dịch phải xét nghiệm ngay vì chờ y tế quận, huyện phân công sẽ khó.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại công ty Vifon. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM
Lo đứt gãy sản xuất mì ăn liền
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vifon Bùi Phương Mai cho biết, hiện nay có những nguyên phụ liệu thiếu nên công ty không đáp ứng được thị trường trong nước. Vifon đã đàm phán và đối tác đồng ý mỗi đơn hàng để lại một ít sản phẩm xuất khẩu cho Vifon bán trong nước
Tuy nhiên, trên bao bì hàng xuất khẩu chỉ có tiếng Anh mà theo quy định nhãn mác phải có tiếng Việt mới được bán trong nước. Vifon đưa giải pháp dán các tem phụ tiếng Việt trên các thùng để bán vào siêu thị.
“Mong Ban an toàn thực phẩm, Sở Công Thương, các sở ngành ủng hộ để sản phẩm xuất khẩu được bán thị trường trong nước trong khoảng một tháng” - bà Mai nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thành phố tiên phong giải quyết cho DN, nếu TP.HCM quyết thì Bộ Công Thương sẽ quyết.
Bà Chi còn nêu một vấn đề khác là lo ngại đứt gãy chuỗi sản xuất mì ăn liền. Lý do hiện nay toàn bộ đơn vị gia công hành lá sấy tập trung tại miền Bắc, hành tím lấy từ Hậu Giang, một số nguyên phụ liệu khác lấy từ Tiền Giang.
Vừa rồi các đơn vị cung ứng không đưa hàng về thành phố kịp, hụt số lượng lớn. Hội kiến nghị thành phố có buổi kết nối với các tỉnh đang cung ứng nguyên phụ liệu đó để DN đặt hàng ổn định và thông được khâu lưu thông phân phối. Đây là khâu quan trọng nhất để người nông dân tiếp tục trồng, thương lái mới đi thu mua, nhà máy mới có nguyên liệu sản xuất.
Đại diện Tổ Công Tác đặc biệt của Bộ Công Thương giải thích, theo Chỉ thị 15, 16 người dân rất khó khăn trong việc đi thu hoạch ngoài đồng.
Bên cạnh đó, hiện thương lái vào các nơi để thu mua nông sản gặp khó khăn; vận chuyển xe nhỏ từ chỗ thu hoạch ra vựa chành cũng gặp khó.
Tuy nhiên, hiện tại Bộ Công Thương, Bộ giao thông vận tải đã có tháo gỡ, hy vọng khi các tỉnh gỡ Chỉ thị 16, công tác thu hoạch lưu thông hàng hóa sẽ tốt hơn.