Du lịch: Thiếu sản phẩm văn hóa mũi nhọn

Ngày 23-2, CLB Phóng viên Du lịch TP.HCM đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp (DN) lữ hành trong nước tổ chức tọa đàm Xây dựng hình ảnh Việt Nam qua hoạt động du lịch. Tại buổi tọa đàm, các DN đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích để ngành du lịch trong nước có thể quảng bá tốt hình ảnh của mình.

Nhiều sản phẩm văn hóa cần khai phá

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay Việt Nam có khá nhiều thế mạnh về lễ hội. Thế nhưng để biến lễ hội thành sản phẩm du lịch ăn khách, cần phải có sự liên kết giữa các địa phương, xây dựng các lễ hội mang ý nghĩa vùng miền đặc trưng. Bên cạnh đó, việc quảng bá, tổ chức các sự kiện du lịch quốc tế phải được thực hiện sao cho hài hòa. Đơn cử như việc tổ chức sự kiện hội chợ quảng bá du lịch quốc tế. Suốt mấy năm nay, sự kiện này chỉ được tổ chức tại TP.HCM; trong khi Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác có tiềm năng du lịch lại bị lãng quên. Ngược lại, một số nước sẵn sàng tổ chức sự kiện quảng bá du lịch ở các thị trường tiềm năng để thu hút khách. Chẳng hạn, Mỹ đã tổ chức sự kiện quảng bá du lịch ở Trung Quốc và Pháp. Vậy nên bên cạnh việc hợp tác giữa các DN trong nước cần có sự hợp tác quốc tế.

Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, năm 2011 lượng khách đến bảo tàng là 660.000 lượt, trong đó có 450.000 lượt khách quốc tế. Thông thường ở những điểm khác, khách chỉ đến 1-2 lần rồi chán. Song, với các bảo tàng, có nhiều khách đến 7-8 lần, những lần sau còn dắt thêm bạn bè và sử dụng nhiều dịch vụ khác. “Theo tôi, bảo tàng là một kênh quảng bá du lịch khá hữu hiệu. Để quảng bá hình ảnh du lịch, ngoài khai thác du lịch lễ hội, sinh thái, còn một mảng khác để khai thác là du lịch hòa bình, cho khách tham quan bảo tàng, tận mắt chứng kiến, giao lưu với những chiến sĩ, cựu tù… tham gia các hoạt động từ thiện”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, ở Việt Nam, ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực vùng miền vẫn chưa được khai thác hữu hiệu như các nước trong khu vực (Thái Lan, Campuchia...).

Du lịch: Thiếu sản phẩm văn hóa mũi nhọn ảnh 1

Những món ăn đặc sản và phong cách truyền thống là thế mạnh để quảng bá du lịch Việt. Ảnh: BÁ HUY

Cần một bộ lọc

Bà Hồ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển hệ thống bán hàng Công ty Vietravel, cho biết các nước như Singapore, Thái Lan… đều có văn phòng du lịch đặt tại Việt Nam với nhiệm vụ chính là quảng bá du lịch. Trong khi đó, các văn phòng phục vụ thông tin về du lịch Việt Nam dành cho khách nước ngoài đặt tại các quốc gia khác hầu như không có. Bà Hương đề nghị: “Để quảng bá du lịch tốt, theo tôi, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh công tác quảng bá, cung cấp thông tin về Việt Nam…”

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc truyền thông Công ty Fiditour, có nhiều sự kiện mà các DN Việt Nam không biết tận dụng, chẳng hạn một số nhân vật nổi tiếng thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đến. Chính vì việc này mà ngành du lịch đã tự đánh mất lợi thế cạnh tranh.

Và theo ông Nguyễn Hữu Thọ, một vấn đề đáng lưu tâm là sự an toàn cho du khách. Việt Nam cần xây dựng được một trung tâm giải quyết các vấn đề về du lịch. Ở Singapore, có hẳn một trung tâm giải quyết mọi vấn đề cho du khách, từ thị thực đến móc túi, giật đồ… Ở Việt Nam, do vấn đề cơ chế nên chỉ có lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ hướng dẫn khách, không thể đáp ứng được tất cả các vấn đề du khách cần… “Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp người ăn xin, bán vé số khóc lóc trước mặt du khách gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Việt Nam” - ông Thọ phân tích.

Tiềm năng du lịch Việt Nam

Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tới năm 2011, có bảy di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tại Việt Nam bao gồm: Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Việt Nam được UNESCO công nhận tám khu dự trữ sinh quyển thế giới đó là Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Đồng Nai, Cù lao Chàm, Cần Giờ, Cà Mau và biển Kiên Giang.

Việt Nam có 30 vườn quốc gia.

Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Việt Nam là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.

Việt Nam có 117 bảo tàng.

Du lịch: Thiếu sản phẩm văn hóa mũi nhọn ảnh 2

Cần đưa thông tin quảng bá mạnh hơn

Thời gian qua, truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế còn nhiều hạn chế. Điều này khiến khách nước ngoài biết ít thông tin về Việt Nam, từ đó đánh giá sai. Những thông tin không tốt thì không thấy ai phản biện, còn thông tin tốt thì ít được khai thác. Đơn cử trường hợp một blogger nước ngoài nói không tốt về du lịch Việt Nam thì ít thấy phản biện, trong khi những sự kiện tốt như Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) bình chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong năm 2012 lại không thấy thông tin quảng bá…

ÔngĐÀO VĂN LỪNG,
Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm