Chiều ngày 3-7, báo Tuổi Trẻ, Sở Du lịch TP.HCM và Sở VHTT&DL TP Cần Thơ đồng tổ chức Hội thảo kết nối du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ.
Quang cảnh hội thảo kết nối du lịch ĐBSCL chiều 3-7. Ảnh: NHẪN NAM
ĐBSCL là khu vực trù phú với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như chợ nổi, du lịch miệt vườn, du lịch sông nước. Tuy nhiên, vùng này vẫn chưa thu hút được nhiều du khách và khai thác triệt để hết tiềm năng vốn có bởi nhiều lý do như sản phẩm du lịch cũ, trùng lặp, không tạo ra được điểm nhấn mới. Câu hỏi đặt ra là làm mới du lịch ĐBSCL như thế nào?
Tại hội thảo, Hoa hậu Đại sứ Du lịch thế giới Phan Thị Mơ cho rằng, du khách thích đến Miền Tây vì tình người Miền Tây, lòng người Miền Tây. Khi một người bạn đến thăm một gia đình ở Miền Tây thì chủ nhà chỉ quan tâm bạn ăn có ngon không, chơi có vui không, có thoải mái không và sẽ làm mọi cách để bạn thấy thoải mái nhất.
Theo Hoa hậu Phan Thị Mơ, khó khăn của du lịch ĐBSCL là dường như chưa có sản phẩm du lịch mới. Ví dụ như cách đây ba năm đi một tour nào đó với những sản phẩm, trải nghiệm đó thì ba năm sau vẫn là sản phẩm đó, nên chưa thu hút được du khách quay trợ lại.
Cạnh đó là hạ tầng giao thông ở khu vực ĐBSCL còn chưa thực sự tốt. Và một điều nữa là quà lưu niệm chưa đặc sắc. Mọi người hãy nghĩ ai đi du lịch cũng muốn mua những món quà đặc sắc để tặng người thân thì sẽ biết làm sao để làm ra món quá lưu niệm thực sự đặc sắc.
Bánh dân gian Nam Bộ hiện đã trở thành một lễ hội có thương hiệu tại TP Cần Thơ nhiều năm qua, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham quan, thưởng thức. Ảnh: TT
Cũng tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, khi thiết kế sản phẩm gì cũng nên có sự kết nối, chia sẻ với mạng xã hội, làm sao mỗi tour của ĐBSCL thiết kế chiến thắng được trên Instagam, Tiktok, Facebook… là du khách họ tự tìm đến.
Bên cạnh đó, có người ấn tượng với chợ nổi ở ĐBSCL và đề nghị những địa phương có chợ nổi thì nên đề nghị Bộ VHTT&DL công nhận di sản văn hóa, để được cấp kinh phí đầu tư, gìn giữ. Vì nếu không đầu tư thì nó sẽ mất đi tính độc đáo của ĐBSCL.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu kết thúc hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM
Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) cho biết, sau khi cả nước kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, Bộ VHTT&DL phát động chương trình kích cầu du lịch và nhiều địa phương, doanh nghiệp và các cấp các ngành đã vào cuộc tích cực.
Theo ông Siêu, trong tháng 6, du lịch nội địa đã cơ bản phục hồi. Một số nơi du lịch nội địa vượt năm 2019. Một số hãng hàng không mở thêm chuyến bay… So với thế giới thì nhiều nơi thèm muốn như Việt Nam, được đi du lịch nội địa trở lại.
Qua đây, ông Siêu kêu gọi sự vào cuộc của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà hàng, khách sạn, lữ hành… chung tay vào cuộc kích cầu, phục hồi du lịch. Thậm chí ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch thông minh, làm mới lại sản phẩm.
Đồng thời, ông Siêu cũng đề nghị các chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra nhiều gói sản phẩm hấp dẫn không chỉ về giá, ý tưởng sản phẩm mới, ý tưởng kết nối tạo ra nhiều sản phẩm, tạo ra nhiều kỳ nghỉ, nhiều ấn tượng để phát huy tài nguyên, thế mạnh của ĐBSCL, tạo ra những sản phẩm đa dạng…
Cần Thơ có nhiều sản phẩm du lịch mới Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, TP Cần Thơ đã và đang thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển du lịch. TP tập trung phát triển loại hình du lịch MICE và du lịch đường sông. Theo đó, các sản phẩm du lịch mới của Cần Thơ như du thuyền Victoria Mekong chạy tuyến Cần Thơ – Châu Đốc, du lịch Cộng đồng Cồn Sơn với nhiều sản phẩm mới, cung cấp cho du khách nhiều dịch vụ trải nghiệm. Công ty Cổ phần Mai Linh dự kiến khai thác tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo trong tháng 7 này. Và nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn sẽ thúc đẩy du lịch TP Cần Thơ và ĐBSCL phát triển trong mối liên kết vùng và với TP.HCM. Theo ông Hiển, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường du lịch quốc tế chưa thể phục hồi, thị trường du lịch nội địa trong nước cần được quan tâm. Trong đó, hoạt động kích cầu, kết nối du lịch vùng ĐBSCL với TP.HCM là nhiệm vụ rất cần thiết, nhằm sớm phục hồi ngành du lịch của vùng ĐBSCL sau dịch bệnh. |