Thông tin từ Klook - nền tảng đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ và hoạt động du lịch trực tuyến cho thấy ở Việt Nam (VN), dữ liệu tìm kiếm du lịch trong nước đang có xu hướng tăng trưởng, đặc biệt đối với các điểm đến phổ biến như Đà Lạt, Đà Nẵng, TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc... Đây là tín hiệu tích cực với ngành du lịch VN.
Đề xuất ưu đãi đặc biệt với khách du lịch
Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch VN sau COVID-19 là phải vực dậy được mảng du lịch nội địa. Tuy vậy, để thu hút được người dân đi du lịch nội địa, Nhà nước có thể áp dụng chính sách tặng tiền cho du khách.
Cụ thể, du khách khi đến đăng ký tour tại công ty lữ hành sẽ được tặng 1 triệu đồng và số tiền này được trừ vào tiền mua tour. Khoản tiền này được doanh nghiệp (DN) hạch toán bình thường nhưng Nhà nước sẽ hỗ trợ lại bằng cách trừ vào thuế thu nhập DN.
Với cách làm trên, nếu với quy mô 10 triệu khách đi du lịch, Nhà nước sẽ chi ra khoảng 10.000 tỉ đồng cho gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, nếu du khách bỏ ra 3 triệu đồng cho một tour du lịch nội địa, DN sẽ thu về được 30.000 tỉ đồng. Khi hiệu ứng xã hội của chính sách này lan tỏa, đòn bẩy có thể lên đến 1:7, tức thu về 70.000 tỉ đồng. Từ đó, hàng trăm ngàn người lao động có việc làm, hàng ngàn công ty sẽ hoạt động trở lại.
“Tôi cho rằng chính sách này vừa có tác dụng thúc đẩy nhu cầu nội địa, khuyến khích người dân đi du lịch, vừa đem lại nguồn thu cho DN và Nhà nước. Nếu Chính phủ có chính sách tốt, thực hiện chiến dịch kích cầu hiệu quả thì quy mô thị trường nội địa từ nay đến cuối năm sẽ đạt khoảng 35-40 triệu khách” - ông Kỳ nhấn mạnh.
Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn du lịch ĐBSCL, cũng nhận xét chương trình “Người VN đi du lịch VN” hiện nay Nhà nước đang làm tốt truyền thông nhưng cần có chính sách hỗ trợ thực chất và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, hiện công suất phòng khách sạn đang rất thấp, điểm tham quan vắng khách,... Nhà nước có thể tặng thêm dịch vụ, giảm giá dịch vụ hoặc miễn phí dịch vụ cho du khách thông qua hình thức tặng voucher (phiếu quà tặng, phiếu mua hàng...).
Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch. Ảnh: TÚ UYÊN
Đơn cử, khách đi du lịch từ Sài Gòn đến Cần Thơ, Nha Trang, Phú Quốc... khi ở những khách sạn có chỉ định, họ đăng ký ở khách sạn hai đêm, Nhà nước có thể tặng voucher, nghỉ một đêm miễn phí. Như vậy vừa khiến du khách thấy được lợi, vừa kéo thêm thời gian lưu trú tại địa phương. Khi đó khách sẽ mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ, ẩm thực, giải trí... Nhà nước có thêm doanh thu từ các dịch vụ. Sau đó, các khách sạn làm việc lại với cơ quan nhà nước để nhận được phần hỗ trợ.
“Đến bất cứ tỉnh, thành nào du khách đều phải được hưởng những chính sách khuyến mãi ở đó. Nhà nước cần có một chính sách hỗ trợ xuyên suốt như vậy mới kích thích người dân đi du lịch. Đó cũng là cách hỗ trợ DN, lực lượng lao động trong ngành du lịch chứ hiện nay DN toàn tự bơi, khó để du lịch phục hồi” - ông Huê nói.
Đồng tình với kiến nghị trên, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nêu quan điểm: VN có thể khuyến mãi dưới hình thức tặng voucher cho du khách. Như vậy, người dân mới chủ động chọn điểm đến cho chuyến du lịch bởi hiện nay các điểm đến, các địa phương có mức giảm giá không đồng bộ. Bên cạnh đó, DN sẽ được hỗ trợ thiết thực hơn.
Google quảng bá du lịch TP.HCM an toàn Chiều 2-6, Hội Nhà báo TP.HCM, Sở Du lịch TP và Hiệp hội Du lịch VN tổ chức tọa đàm Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình “Người VN đi du lịch VN “. Nhiều ý kiến cho rằng trong giai đoạn hiện nay quan trọng nhất là cần tạo tâm lý an tâm, an toàn để người dân đi du lịch. Bên cạnh đó, chương trình dùng kích cầu còn chưa đến được du khách, kích cầu chỉ nói chung chung chứ chưa làm cụ thể. Đáng chú ý, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: Google cam kết đồng hành cùng sở để truyền thông về điểm đến TP.HCM an toàn đến thị trường quốc tế ngay khi VN mở đường bay song phương. |
Phải bùng nổ sáng tạo
Giám đốc Công ty Du lịch TST Lại Minh Duy nhấn mạnh VN cần tận dụng thời gian các nước vẫn đang phòng, chống dịch để tái định vị thương hiệu du lịch, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt phải tạo ra các sản phẩm mới, độc lạ, khác biệt; liên kết khai thác tour liên vùng một cách có hiệu quả. Tức là các công ty lữ hành phải gửi khách cho nhau, triển khai các chiến dịch quảng bá theo từng phân khúc khách hàng trong và ngoài nước và theo sở thích nhu cầu lẫn cả điều kiện tài chính của du khách.
“Du lịch VN trong giai đoạn hiện nay ngoài sự an toàn, cần có cả sự bùng nổ sáng tạo, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của du khách” - ông Duy nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch, khách sạn và các dịch vụ liên quan. Thậm chí du lịch tàu biển vốn được coi là ngành du lịch cao cấp dự đoán có thể bị “kết liễu” nếu chưa có vaccine bảo đảm an toàn cho du khách. Trong khi đó, VN đã kiểm soát thành công dịch COVID-19, được thế giới ca ngợi. Đây là điều kiện thuận lợi để khôi phục hoạt động du lịch.
Nhưng do số người thất nghiệp tăng cao, thu nhập của người dân bị giảm sút, do vậy khó có cây đũa thần nào để du lịch tăng vọt trở lại ngay. Vậy nên dự báo ngành du lịch sẽ hồi phục từng bước và để thúc đẩy ngành du lịch nên phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp như giảm phí tham quan danh lam, thắng cảnh; xây dựng những tour du lịch hấp dẫn, sáng tạo.
“Quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tất cả cần nỗ lực cao nhất thì mới có thể đạt được những tiến bộ dù nhỏ nhất” - ông Doanh nói.
Nên học cách làm của Thái Lan Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại VN thông tin chính phủ Nhật Bản đang xem xét thực hiện chiến dịch “Go to Travel”. Mục đích của chương trình này nhằm kích cầu du lịch Nhật Bản nên dự kiến thực hiện bằng cách hỗ trợ một phần chi phí như chi phí lưu trú tại Nhật Bản. Thái Lan cũng tung ra chiến dịch kích cầu du lịch nội địa mang tên “We love Thailand”. Chiến dịch này sẽ quảng bá cho các sản phẩm và điểm tham quan hấp dẫn mới trong nước. Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn và giải pháp du lịch Outbox Consulting, phân tích sự khác nhau lớn nhất giữa “We love Thailand” của Thái Lan và “Người VN đi du lịch VN” là sự hấp dẫn của sản phẩm được tung ra trong chương trình.
Theo đó, Thái Lan lấy sự mới lạ của những trải nghiệm địa phương hay những điểm đến mới làm nền tảng để kích cầu thị trường nội địa trong một khoảng thời gian khá dài từ 1 đến 2 năm. Còn VN kích cầu bằng giải pháp khá cũ là giảm giá trong ngắn hạn mà không có nhiều sản phẩm mới được định hình cụ thể và rõ ràng. “Đây là điều chúng ta nên học hỏi từ nước bạn” - ông Phước chia sẻ. Cũng theo lãnh đạo Outbox Consulting, du lịch ngày càng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế VN. Sự phục hồi của ngành du lịch đương nhiên sẽ có ý nghĩa quan trọng kéo theo sự tăng trưởng trở lại của những ngành nghề có liên quan như vận chuyển, thực phẩm, thương mại, dịch vụ… Do đó, để không chỉ ngành du lịch phục hồi mà hướng tới nhanh chóng phục hồi nền kinh tế nói chung, chưa bao giờ cần có một sự liên kết hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn giữa các ngành như hiện nay. Bên cạnh đó, thị trường khách du lịch quốc tế vốn giữ vai trò quan trọng đối với du lịch VN. Do đó, ngay từ bây giờ VN cũng cần đưa ra những chính sách, phương án sản phẩm và truyền thông phù hợp để có thể cạnh tranh với các điểm đến quốc gia khác trong thời gian tới. |