ĐẠI DỊCH TÔM TẠP CHẤT - BÀI 1:

Không bơm tạp chất thì không tồn tại?

LTS: Vấn nạn bơm tạp chất nhằm tăng trọng lượng, kích cỡ tôm xuất khẩu khiến uy tín của mặt hàng này giảm sút nghiêm trọng. Tháng 5 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chủ trì cuộc họp và quyết định tấn công mạnh mẽ vào tệ nạn này để bảo vệ thương hiệu tôm Việt Nam. Dưới đây là ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM về thực trạng này.

Hiện con tôm sú đang bị bơm bằng hai loại tạp chất là bột rau câu và Agar. 1 kg tôm sú sau khi bị bơm rau câu có thể tăng lên được 1,2 kg. Đối tượng bơm chích tạp chất thuộc khâu mua bán trung gian như lái thu gom tôm trực tiếp từ nông dân, các vựa (đại lý) thu mua tôm.

Lò tạp chất

Cuối tháng 5-2010, tại Cà Mau, một cuộc họp tiếp tục bàn về các biện pháp chống vấn nạn tôm tạp chất được Bộ NN&PTNT chủ trì. Tại đây, ông Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Phú Cường, bức xúc cho biết: “Tôm tạp chất đã trở thành một đại dịch. Tại các huyện Đông Hải và Giá Rai, Bạc Liêu đã xuất hiện những xưởng chuyên bơm chích tạp chất thuê. Trên thị trường hiện nay có trên 90% tôm sú nguyên liệu chứa tạp chất”. Hàng chục công ty khác cũng đồng nhận định như vậy.

Ông Đồng Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Trong năm 2009, đơn vị này đã bắt 10 vụ, tịch thu gần 6,5 tấn tôm chứa tạp chất. Đầu năm 2010 đến nay bắt thêm bốn vụ với số lượng hơn 1.600 kg. Điều đáng nói là 100% các lần đột nhập kiểm tra hay dùng phương tiện kiểm tra, cơ quan chức năng đều phát hiện tôm chứa tạp chất.

Tại Cà Mau, kể từ đầu năm 2010 đến nay, cơ quan QLTT đã phát hiện 19 vụ mua bán, vận chuyển 7,6 tấn tôm sú chích tạp chất.

Không bơm tạp chất thì không tồn tại? ảnh 1

Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau điều một xe tôm tạp chất về nơi xử lý đêm 15-7-2010. Ảnh: TRẦN VŨ

Ở Bạc Liêu đang xuất hiện các lò bơm chích tạp chất núp bóng dưới hình thức xưởng sơ chế thủy hải sản. Giám đốc một công ty xuất khẩu hải sản cho biết: “Tại chợ Láng Tròn có một lò, khu vực cầu Xóm Lung, chợ Giá Rai (huyện Giá Rai) hay ở Tắc Vân (TP Cà Mau), khu vực cầu Định Thành (xã Định Thành, huyện Đông Hải, Bạc Liêu), nhiều lò có quy mô đến cả trăm công nhân. Hệ thống công ty chúng tôi đang bị mất dần công nhân lành nghề, bởi làm ở lò chích tạp chất, công nhân không bị ràng buộc tác phong công nghiệp, thu nhập lại cao hơn làm cho những công ty lớn”.

Tại khu vực dân cư ở gần cầu Lộ Bằng (xã Phong Tân, huyện Giá Rai) có một lò bơm tạp chất trong ngôi biệt thự sang trọng với vài chục công nhân làm việc thường xuyên. Người dân cho biết chủ lò này là ông Tăng D., làm tôm tạp chất chuyên nghiệp từ nhiều năm qua nhưng để lật tẩy là một việc vô cùng khó khăn. Với hai lớp cổng bảo vệ, tường cao bao quanh, ông D. có thể kiểm soát việc vào ra của bất cứ ai.

Không ăn gian, chỉ có nước bỏ nghề?

Một chủ vựa thừa nhận mình đang bơm chích tạp chất vào tôm vì nếu không sẽ không cạnh tranh nổi với thương lái khác. Đó là anh Trần Hữu Nghị, chủ đại lý (ấp Chòi Mòi, xã An Phúc, huyện Đông Hải, Bạc Liêu).

Không bơm tạp chất thì không tồn tại? ảnh 2

Thêm 19 phuy tôm tạp chất vừa bị phát hiện tại Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Anh Nghị kể mình vào nghề mua bán thủy hải sản từ năm 1992. Hơn 10 năm trước, một ngày anh thẫn thờ phát hiện có người đến hét giá trên trời để mua tất cả tôm của các mối ruột của mình. Lời lãi bao nhiêu năm làm tôm anh đã cho nông dân mượn hết để giữ mối. Nay họ không bán cho mình, nguy cơ phá sản đã kề cổ. Nhưng anh cũng không thể trách nông dân vì những tay hét giá giành mối mua tôm cao hơn anh đến 15.000 đồng/kg, số tiền ấy mua được 5 kg gạo.

Anh đi tìm hiểu mới biết người ta làm tăng trọng lượng con tôm bằng cách dùng ống chích chuyên chích heo bơm rau câu vào thân tôm. Thế là anh làm thử. 1 kg tôm sú sau khi chích xong anh cân lại thì được 1,2 kg.

Từ đó, để tồn tại, anh phải làm như mọi người. Anh mua tôm của nông dân với giá cao như những kẻ đã phá giá mình. Và anh đã phát hiện ra chích rau câu vào tôm không chỉ lời trọng lượng: “Mua tôm của nông dân 120.000 đồng/kg, về giao lại cho vựa 100.000 đồng/kg vẫn lời. Khi chích tạp chất vào, chẳng những 1 kg ra được 1,2 kg mà cỡ tôm cũng được nâng lên. Từ cỡ tôm 30 con/kg, sau khi chích sẽ là 25, 26 con/kg. Giá của hai loại cỡ này chênh lệch đến gần 15.000 đồng/kg, lời quá xá!”.

Không bơm tạp chất thì không tồn tại? ảnh 3

Bơm rau câu có thể làm cho con tôm sú tăng trọng lượng 20%. Ảnh: TRẦN VŨ

Anh tâm sự rằng nhiều khi muốn bỏ nghề vì mặc cảm xấu hổ bởi làm điều không đúng, mạo hiểm, đầy rủi ro. Nhưng tiền bạc dành dụm mấy chục năm qua anh đã cho nông dân mượn để giữ mối, nếu không tiếp tục làm thì không có cơ hội để thu lại.

Muốn làm người ngay thẳng cũng khó

Đã vài lần anh Nghị mừng hụt. Gần đây nhất là vào khoảng cuối tháng 5-2010, các thương lái đồn rằng nhà nước đã ngăn chặn được nạn tôm tạp chất, bây giờ các nhà máy không mua tôm tạp chất. Đồng thời, phía công ty anh bán tôm cũng gọi điện thoại thông báo sẽ không thu mua tôm tạp chất nữa. Anh khoe với bà con rồi yêu cầu họ giảm giá tôm 10.000 đồng/kg để anh mua đem giao nguyên cho công ty, không chích tạp chất. Nông dân đồng tình, chấp nhận giảm giá một chút, thiệt thòi một chút để đổi lại cái danh dự cho nguyên liệu tôm. Hơn nữa, khi con tôm sạch, lấy lại uy tín trên trường quốc tế thì giá cả sẽ cao trở lại, hơn cả hiện tại.

“Nhưng tôi đã nhầm” - anh Nghị kể, giọng buồn xo - “Ngày hôm sau, vừa ló mặt ra đường đã bị nông dân cự. Họ bảo tôi gạt họ, thực chất nhiều thương lái khác vẫn mua với giá cũ”. Không còn cách nào khác, anh Nghị đã phải tìm một công ty khác nhận mua tôm tạp chất, quay trở về với cách làm cũ. Anh ấm ức: “Nếu các công ty xuất nhập khẩu không mua, đại lý như tui đời nào dám bơm chích rau câu vào tôm! Bởi bơm vào, không ai mua, đem về ăn chắc! Nhà nước cứ kêu gọi nông dân, phục bắt đại lý là chưa đúng. Cái gốc là ở mấy công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản kìa!”.

Ông Đồng Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Các đại lý, người thu mua tôm khi bị bắt đang kinh doanh, vận chuyển tôm tạp chất đều nói thật là nếu không bơm tạp chất thì hoặc là bỏ nghề, hoặc chờ phá sản. Họ nói rằng vì ai cũng làm vậy nên bắt buộc phải theo để tồn tại”.

TRẦN VŨ

Bài 2: Sẽ đóng cửa những cơ sở kinh doanh tôm tạp chất

Sẽ thành lập đội đặc nhiệm chống tôm tạp chất khu vực bốn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Với quyền kiểm tra bất thường, đội sẽ thu thập chứng cứ và đề nghị đóng cửa các đơn vị chế biến thủy sản gian lận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm