Không để thiếu xăng dầu, xử nghiêm việc găm hàng trục lợi

Với lý do hết xăng, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các địa phương như An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, TP.HCM... tạm ngừng hoạt động.

Không còn xăng để bán

Tại An Giang, trên địa bàn huyện Thoại Sơn, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ghi nhận bảy cửa hàng thuộc hệ thống PVOil không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động. Trên địa bàn huyện Châu Thành, lực lượng QLTT ghi nhận năm cửa hàng ngừng hoạt động cũng với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời. Tất cả đều thuộc hệ thống PVOil.

Trước đó, PVOil đã gửi thông báo cho đại lý với nội dung: “Kính gửi quý khách hàng! Do tàu xăng dầu không về kịp, kho An Giang dừng cung cấp xăng A95 cho đến khi có thông báo mới. Riêng dầu DO và E5 vẫn cung cấp bình thường”.

Tại TP.HCM, báo cáo của Cục QLTT TP.HCM cho biết TP có 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số cây xăng tạm ngừng hoạt động với lý do thiếu xăng A95 để bán.

Đơn cử như tại trạm xăng dầu Phú Định K26, quản lý cửa hàng cho biết do bồn chứa xăng còn ít, chỉ đủ cung cấp cho các xe có ký hợp đồng với đơn vị nên phải kéo rào để khách vãng lai không vào mua xăng. Tương tự, Công ty TNHH TMDV Biên Khoa (phường 14, quận Gò Vấp) cũng ngừng kinh doanh xăng do nguồn cung hạn chế, chỉ còn bán dầu. Theo doanh nghiệp (DN), sáng 8-2, xăng sẽ về đến cửa hàng bán bình thường.

Còn tại Công ty TNHH TMDV Biên Khoa (phường Thạnh Xuân, quận 12) cũng ngừng kinh doanh xăng từ chiều 7-2 do nguồn cung xăng hạn chế nên xăng về chậm, hiện tại chỉ còn bán dầu bình thường. Công ty này cho biết sáng 8-2, xăng sẽ về đến cửa hàng bán bình thường.

Có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá

Chiều 8-2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về việc tại một số địa phương có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung.

Theo ông Hải, trước hiện tượng này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các sở Công Thương phối hợp với lực lượng QLTT kiểm tra. Theo đó, hầu hết cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ các DN kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số DN có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.

Sáng 8-2, nhiều cây xăng ở huyện An Phú (An Giang) đóng cửa, treo bảng hết xăng. Ảnh: BT

“Các bộ, ngành, DN đầu mối cũng khẳng định tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng, đại lý của các DN nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi. Chúng ta có đủ công cụ, bộ máy để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu như quy định dự trữ xăng dầu bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 20 ngày…” - Thứ trưởng Hải cho biết.

Thông tin thêm về tình hình Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí cho biết những vướng mắc trước mắt của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ. Từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục sản xuất như bình thường.

Theo Bộ Công Thương, hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước tết Nguyên đán đến nay.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng cho hay với những tác động trên của tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước đã ảnh hưởng đến nguồn cung ứng và hoạt động phân phối xăng dầu trên địa bàn TP. Tuy nhiên, các thương nhân đầu mối xăng dầu cam kết vẫn đảm bảo lượng hàng dự trữ, ổn định giá cả các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn TP.

Xin ngừng bán vì thiếu nguồn cung xăng

Một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay Công ty cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol vừa có văn bản gửi Sở Công Thương TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Vĩnh Long đề nghị được tạm đóng cửa một số cửa hàng xăng dầu trực thuộc công ty.

Theo đơn vị này, trong giai đoạn từ đầu tháng 1-2022 đến nay, tình hình kinh doanh xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn do việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung xăng dầu, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 

Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ.

Hiện nay, dự trữ trong nước đủ lớn, đồng thời Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để bình ổn, đáp ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương có đủ thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý của mình.

“Bộ cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ Bộ Công Thương cần thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải đảm bảo cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu; có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN rà soát kỹ cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống nhân dân nên bắt buộc phải quản lý chặt chẽ, khoa học.

Doanh nghiệp xăng dầu TP.HCM đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Ảnh: TÚ UYÊN

Có cơ chế linh hoạt trong trường hợp đặc biệt

Trước dự báo về tình hình biến động nguồn cung ứng xăng dầu trong thời gian tới, UBND TP.HCM vừa cho biết sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời. Từ đó để các công ty đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các công ty kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, UBND TP.HCM giao Sở Công Thương phối hợp với Sở GTVT xem xét, nhanh chóng giải quyết cấp phép lưu thông vào giờ cao điểm cho các xe bồn vận chuyển xăng dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng đề nghị các DN đầu mối xăng dầu có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn.

Kịp thời phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành công điện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó, bộ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Mục đích để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Bộ trưởng yêu cầu tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một báo cáo nào liên quan đến tình trạng cửa hàng, đại lý, thương nhân kinh doanh xăng dầu găm hàng chờ tăng giá. Hiện mới chỉ có báo cáo của lực lượng QLTT các địa phương An Giang, Tiền Giang, TP.HCM... phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do không có đủ nguồn cung xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm