Nhớ lại những ngày dịch bệnh lan tràn đến hơn 30 tỉnh thành của cả nước, trong đó TP.hcm là tâm dịch, chúng ta thật sự bàng hoàng với những tổn thất, nhất là về nhân mạng.
Từ giữa tháng 6-2021, chính quyền thành phố đã triển khai cho tiêm ngừa COVID-19 mũi 1 cho 322.000 công nhân tại 18 KCX-KCN và Khu Công nghệ Cao. Thế nhưng với sự lây lan tốc độ cao của chủng mới virus Detal dẫn đến 800 nhà máy/DN phải đóng cửa, 700 nhà máy/DN còn lại vẫn kiên trì phòng, chống dịch, tổ chức sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” với ¼ lực lượng lao động.
Tháng 7, 8 và đầu tháng 9, các ca nhiễm thường xuyên từ 3.000-5.000 người và đỉnh điểm 7.000 người. Riêng 18 khu công nghiệp, khu công nghệ cao công nhân là F0 tổng cộng là 7.000 lao động.
Trước tình cảnh đó, Chính phủ tập trung nhiều nguồn lực, nhất là vaccine và đội ngũ y bác sĩ vào chi viện cho miền Nam, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Các tỉnh thành của cả nước chi viện cả nhân lực, tài lực và vật lực, nhất là đội ngũ y bác sĩ cho TP. HCM. Đồng bào của nhiều tỉnh, thành gom góp rau củ quả đóng hàng xe tải gửi vào cho TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM. Ảnh:CTV
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, chúng ta không quên tri ân đội ngũ doanh nhân-doanh nghiệp của cả nước và của TP.HCM đã góp phần to lớn trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” suốt hơn 6 tháng qua.
Riêng TP.HCM đang là tâm dịch, 1.500 nhà máy/DN đang đối mặt với dịch bệnh xâm nhập 18 KCX-KCN và Khu Công nghệ cao. Nhưng với tinh thần “Phúc lợi cùng hưởng, hoạn nạn sẻ chia”, đội ngũ doanh nhân-doanh nghiệp các khu đã có sự đóng góp, chi viện đầy nghĩa tình.
Trong đó có cả các doanh nghiệp FDI giành cho “Quỹ vaccine”, nhiều DN đóng góp hàng chục tỉ đồng, đơn cử như Công ty Liên doanh KCX Tân Thuận (TTC) đóng góp 15 tỉ đồng, tập đoàn đầu tư CT&D 40 tỉ đồng. Nhiều DN đã đóng góp hàng tỉ đồng như doanh nghiệp Always, Strongman, Thuận Hải, Cát Lợi, Sepzone Linh Trung, Đô thị Sài Gòn Tây Bắc Củ Chi…
Đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty với lợi thế có nhà máy làm ra sản phẩm hàng tiêu dùng và nhu yếu phẩm. Trong diễn biến lúc bấy giờ nhiều nhà máy/DN tại các khu phát sinh dịch bệnh bị phong tỏa tại chỗ, đưa cả ngàn công nhân đi tập trung cách ly, đưa F0 đến các bệnh viện dã chiến. Thông qua Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM tổ chức đưa sản phẩm đến chi viện, cứu trợ, ủy lạo kịp thời.
Tổng giá trị sản phẩm nói trên lên đến 43 tỉ đồng. Riêng tập đoàn Unilever đã đóng góp hơn 39 tỉ đồng giá trị sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Bình Tây đóng góp hàng tỉ đồng sản phẩm. DN SaVipharm và Dược Hậu Giang đã kịp thời hỗ trợ thuốc men cho hàng ngàn FO và F1 trị giá tổng cộng hàng tỉ đồng, chưa kể tặng bệnh viện xe cấp cứu và các trang thiết bị y tế khác …
Cận cảnh khu vực ăn uống của một công ty tham gia sản xuất "3 tại chỗ" tại Khu chế xuất Linh Trung I, thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: CTV
Điều đáng nói là các doanh nhân-doanh nghiệp nói trên cũng đang lâm nạn với nguy cơ dịch bệnh chực chờ phải đóng cửa một phần nhà máy hoặc cả nhà máy.
Chúng ta cũng không thể quên nhiều nước và tổ chức quốc tế đã chi viện, hỗ trợ to lớn, nhất là về vaccine và thiết bị y tế phòng dịch. Đồng thời nhiều đóng góp đầy nghĩa tình của kiều bào và doanh nhân Việt ở nước ngoài.
Doanh nhân chúng tôi thường nói với nhau rằng có lẽ nước ta là trong “top ten” hàng đầu dùng nhiều thương hiệu vaccine nhất thế giới, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Cu Ba đều có cả. Và có lẽ cũng là một trong các nước được hỗ trợ, chi viện vaccine nhiều nhất thế giới.
Công nhân Công ty TNHH Sài Gòn Precision tham gia sản xuất "3 tại chỗ". Ảnh: CTV
Chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 và cũng là chào mừng thành phố chúng ta đã qua gần hai tuần hồi sinh, trong đó tại 18 khu đã có khoảng 700 nhà máy “3 tại chỗ” tiếp tục hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh, công nhân đã được về nhà. Khoảng 800 nhà máy đang khởi động và đón nhận công nhân quay trở lại làm việc.
“Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, qua hoạn nạn dịch bệnh nhưng đội ngũ doanh nhân-doanh nghiệp chúng tôi vẫn nhận thức rằng tình hình bình thường mới nhưng vẫn trong điều kiện “sống chung với dịch”.
Nghĩa là vẫn không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác trong thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, vẫn thực hiện nghiêm Bộ Tiêu chí như thước đo trong phòng, chống dịch. Vẫn kiên định phòng dịch là cơ bản lâu dài, chống dịch là kịp thời và hiệu quả. Vẫn thuộc lòng phương châm : “An toàn đến đâu, sản xuất đến đó, an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, đội ngũ danh nhân-doanh nghiệp chúng tôi một lần nữa xin tri ân Chính phủ, chính quyền và đồng bào nhiều tỉnh, thành đã giành cho thành phố và các Khu công nghiệp chúng tôi một sự chi viện lớn lao đầy tình nghĩa, trong đó có đội ngũ doanh nhân của cả nước. Từ đó, cho ta niềm tin tất thắng trong công cuộc phòng, chống dịch và sự nghiệp công nghiệp hóa thành phố.