Kinh tế đang nghẽn mạch tăng trưởng

TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang bị nghẽn mạch tăng trưởng nặng nề. Từ năm 2005 đến 2007, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao vượt trội nhưng từ năm 2008, tốc độ tăng trưởng giảm dần.

“Sự tụt hậu đang tăng tốc. Tôi thấy nền kinh tế Việt Nam đang một mình… tắc nghẽn” - ông Thiên nêu ý kiến tại diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2013 và triển vọng 2014” (Huế, ngày 26-9).

Thiếu minh bạch khiến rủi ro chính sách lớn

Tiếp tục phân tích tình hình, ông Thiên cho biết các mục tiêu kinh tế ngắn hạn (kéo giảm lạm phát, tái lập ổn định, chặn đà suy giảm tăng trưởng) chưa đảo ngược tình hình, nhiệm vụ chiến lược (tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh) chưa thực hiện được. Như vậy, quỹ đạo cũ vẫn giữ nguyên. Nếu tăng thành tích ngắn hạn nghĩa là tiếp tục tăng rủi ro và nguy cơ.

Về vấn đề tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước, ông Thiên khẳng định vẫn còn là đề án trên giấy, không thể khởi động, vẫn y nguyên và yếu kém. Trong khi nền tảng kinh tế đang yếu mà tái lập ổn định vĩ mô trên một nền tảng kinh tế yếu nghĩa là mức độ rủi ro sẽ lớn. Như tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm chỉ đạt 6,5%, thu chi đạt mức thấp chưa từng thấy. Ba phần tư động lực tăng trưởng kinh tế là doanh nghiệp (DN) mà sáu tháng đầu năm có đến gần 25.000 DN đóng cửa.

Kinh tế đang nghẽn mạch tăng trưởng ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (trái) và các chuyên gia kinh tế trao đổi bên lề diễn đàn. Ảnh: V.LONG

Ngoài ra, ông Thiên chỉ rõ sự thiếu minh bạch khiến lòng tin khó cao, rủi ro chính sách lớn: “Chẳng ai biết tăng trưởng GDP tính theo cung hay cầu? Nợ xấu bao nhiêu? Tình trạng thực tế của DN ra sao? Đặc biệt, trong khi DN “chết” nhiều như thế mà số liệu cho thấy tỉ lệ thất nghiệp giảm là không đúng. Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề chứ đừng cố làm tươi nền kinh tế để báo cáo thành tích trước Quốc hội!”

Cần đột phá đúng mục tiêu

Dựa trên những cơ sở đó, ông Thiên cho rằng cần ưu tiên cải cách, tập trung đột phá tái cơ cấu vào một số DN cụ thể chứ không dàn trải để tạo lòng tin.

Nhà nước, Chính phủ cần ưu tiên trả nợ DN. Cải cách lương trong khu vực Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, sửa Luật Ngân sách. Bên cạnh đó, cần triển khai gấp việc thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên tạo một số tọa độ chiến lược cho các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Về lâu dài, cần sửa đổi hiến pháp, đặc biệt là quan điểm sở hữu đất đai trong nền kinh tế.

Đồng tình, ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng phải thấy rằng nền kinh tế Việt Nam chưa thoát giai đoạn trì trệ, chết thì không chết nhưng không thể giàu được: “Nguyên nhân sâu xa là từ nội tại của nền kinh tế, từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Nhận thức không đúng căn bệnh của nền kinh tế, việc thực thi các giải pháp ngắn hạn liên tục nhằm đối phó với tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng. Năm 2013, xuất hiện nguy cơ bất ổn kinh tế, thâm hụt ngân sách, DN “chết” hàng loạt…”.

Trên cơ sở đó, ông Lịch nhấn mạnh việc củng cố niềm tin thị trường: “Đó là vấn đề quan trọng giúp kinh tế đi lên”.

Hôm nay (27-9), diễn đàn sẽ tiếp tục với những tham luận của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Nguyên nhân lớn từ doanh nghiệp nhà nước

Nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm, theo ThS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam là do khu vực DN nhà nước, khu vực tư nhân trong nước và nông nghiệp bị trục trặc.

Từ khi các tổng công ty được chuyển ồ ạt sang tập đoàn kinh tế đã bộc lộ yếu kém cơ bản ngày càng rõ rệt, đặc biệt là dưới tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước và khủng hoảng toàn cầu. Sự kém hiệu quả của DN nhà nước, góp phần tạo ra những trục trặc hiện nay của hệ thống ngân hàng và tác động tiêu cực đến khu vực tư nhân và nông nghiệp.

Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng DN nhà nước lẽ ra là nơi tin tưởng nhất nhưng giờ lại không đáng tin tưởng, vì không “bật” nền kinh tế dậy được. nguyên nhân từ đâu thì cần phải làm rõ do chính sách, hay do DN kém…

Chỉ nói ở diễn đàn, khó mà cứu nền kinh tế

Tôi thấy diễn đàn, hội nghị diễn ra ngày một nhiều, vấn đề ông nào đưa ra cũng rất chặt chẽ, có lý lẽ nhưng không thể triển khai, không đi vào thực tiễn. Lý do là gì? Vì chúng ta không đủ tầm, nội dung đề ra không chính xác hay nghiên cứu đúng rồi mà không chuyển tải được đến cơ quan chức năng...? Hoặc những người đưa lên đúng rồi thì sợ nhiệm kỳ, nhóm lợi ích, thành tích, chỗ ngồi của mình… nên dẹp nó sang một bên? chúng ta cứ tổ chức hết hội nghị này đến diễn đàn khác cũng chỉ bài phát biểu này giống như đi diễn thì khó vực dậy nền kinh tế.

Ông CAO SĨ KIÊM, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm