Lãi suất cho vay năm 2022 liệu có giảm hay không?

Ngày 28-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo về hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022. Một trong những vấn đề báo chí quan tâm là lãi suất cho vay.

Báo cáo của NHNN tại cuộc họp báo cho hay: NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế

NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay.

“16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng”, báo cáo cho hay.

Theo diễn giải chi tiết, NHNN thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã cam kết giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu áp dụng từ 15-7 đến hết năm 2021. Tổng số tiền lãi giảm ước tính là 20.613 tỉ. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay: các NHTM sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất bằng nguồn lực của mình. Ảnh: ĐỨC KHANH

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay: năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định. Nếu có điều kiện thì các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất bằng nguồn lực của mình. Cùng với Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ thì các biện pháp của NHNN và các ngân hàng thương mại sẽ tạo ra hiệu ứng chung, hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt hơn, đặc biệt doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.

“Chúng tôi không tập trung vốn cho các lĩnh vực không ưu tiên”, ông Tú nói.

Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề rằng: như vậy lãi suất năm 2022 có tiếp tục giảm hay không và đến bao giờ lãi suất của Việt Nam thấp như một số nước trong khu vực để dòng tiền chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay: năm 2021 mặt bằng lãi suất đã giảm theo xu hướng từ 2020.  

“Với xu hướng đó, 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ tiếp tục tính toán về lãi suất. Mức trần lãi suất cho vay đối với VNĐ ở mức 4,5% nhưng lãi suất thực tế là 4,3%, thấp hơn mức trần. Mức lãi suất này thấp hơn khá nhiều so với lãi suất của các nước Asean+4. Còn với các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam thì mức lãi suất này còn thấp hơn. Lãi suất hiện nay như thế là phù hợp”, ông Quang nói.

Vẫn theo ông Quang, năm 2022, lạm phát và áp lực lạm phát toàn cầu đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam là một áp lực. Trong bối cảnh đó thì duy trì mặt bằng lãi suất là một áp lực lớn rồi.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ chính sách tiền tệ cho hay: duy trì ổn định lãi suất trong giai đoạn tới là một nhiệm vụ, một áp lực lớn. Ảnh: ĐỨC KHANH

Một số ngân hàng trung ương ở các nước đã thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ và các đợt giảm lãi suất diễn ra ít hơn là các đợt tăng lãi suất. Điều đó khiến cho lạm phát là hiện hữu và xác thực.

“Theo dõi của chúng tôi trong năm qua thì các nước G7 đã tăng lãi suất khá bất ngờ so với đánh giá. Áp lực đối với các nước đang phát triển như Việt Nam là rất lớn. Việc duy trì lãi suất ổn định trong giai đoạn tới so với lãi suất thế giới là một nhiệm vụ lớn”, ông Quang nói.

Cũng như ông Tú, ông Quang cho rằng: mong mỏi của người dân và doanh nghiệp về việc giảm lãi suất là xác đáng. Tuy vậy, việc điều hành lãi suất phải hài hòa và phù hợp với nền kinh tế. Năm 2022, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm