"Đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho mua tạm trữ lúa hè thu vào kho dự trữ quốc gia".
Đó là đề xuất của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 tại cuộc họp trực tuyến của Bộ NN&PTNT sáng nay, 3-8.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, khó khăn về lao động trong thu hoạch lúa hè thu đã được giải quyết phần nào, nhưng vấn đề là đến lúc thu hoạch lại không có thương lái đi mua.
Giá lúa tại ĐBSCL xuống thấp, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ mua tạm trữ lúa hè thu. Ảnh minh họa: CHÂU ANH
Cạnh đó, hiện lượng lúa gạo ở Campuchia, khu vực giáp ranh với Việt Nam, do người Việt Nam sang đó canh tác đã bắt đầu đổ về.
"Đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho mua tạm trữ lúa vào kho dự trữ quốc gia. Việc thu mua dự trữ quốc gia để kích cầu sản xuất, động viên người nông dân sản xuất. Bây giờ người nông dân rất bi quan, lưỡng lự không biết có trồng lúa trong vụ tới nữa hay không" - Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho biết, mấy ngày vừa qua có liên hệ với một số đồng chí Sở NN&PTNT khu vực ĐBSCL, họ nói bây giờ lúa chín không có người mua, thương lái bỏ cọc chạy. Nếu chúng ta không giải quyết được thấu đáo sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất vụ thu đông, đông xuân và ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành.
"Giá lúa ở ĐBSCL thời điểm này cơ bản thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2020, nhưng lại không có người mua vì dịch bệnh thương lái không đến thu mua, chi phí vận chuyển tăng... " - ông Cường cho biết.
Do vậy, ông Cường cũng kiến nghị: Hàng năm Chính phủ mua khoảng 200 nghìn tấn gạo dùng cho dự trữ quốc gia, nay cần thiết báo cáo Chính phủ kích hoạt chương trình này sớm hơn, có thể tháng này hoặc tháng sau, để nâng giá lúa lên. Vì giá lúa là động lực cho người nông dân sản xuất.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho biết, lúa Hè Thu mới thu hoạch được khoảng 600.000 ha và trong tháng 8, tháng 9 sẽ có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất.