Ngành 'hấp dẫn nhất toàn cầu' tìm cách hồi sinh

Ngày 15-12, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức hội thảo “Giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng ngành dịch vụ ăn uống (F&B) Việt Nam”.

Hơn 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề

Nhiều đại biểu khẳng định ngành dịch vụ ăn uống thuộc nhóm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, tức thì và nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Ngay cả khi đã nới lỏng giãn cách xã hội, ngành này vẫn gặp nhiều cản trở do sự thay đổi về cách thức kinh doanh lẫn thói quen ăn uống của khách hàng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, dẫn một báo cáo cho thấy trong năm 2020, chỉ 48% doanh nghiệp ngành F&B của Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hoặc không nghiêm trọng bởi đại dịch. Nhưng sang năm 2021, con số này đã tăng lên tới 91%.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Kiên cũng nhìn nhận: Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường ẩm thực, đồ uống hấp dẫn nhất toàn cầu, xếp thứ 10 châu Á vào năm 2019. Việt Nam cũng từng được vinh danh là một trong những điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.

Ngành dịch vụ ăn uống Việt Nam đang nỗ lực thay đổi để thích nghi trong bối cảnh đại dịch. Ảnh: TU

Thế nhưng kể từ khi đại dịch bùng phát, các doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, chi chí tăng cao. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải dừng hoạt động do giãn cách. “Đại dịch xảy ra như một cú đánh trực diện vào doanh nghiệp ngành F&B” - ông Kiên nhận xét.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều đơn vị trong ngành F&B cạn kiệt nguồn tài chính. Ngay cả các công ty có dự trữ lượng tiền mặt lớn cũng gặp khó khăn do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài. Một khảo sát mới đây cho thấy dòng tiền của 46% công ty đã cạn, chỉ đủ để duy trì hoạt động từ một đến ba tháng.

Ông Đoàn Minh Phú, Giám đốc chuỗi nhà hàng siêu thị Thế Giới Hải Sản, cho biết đợt bùng dịch lần thứ tư bắt đầu vào cuối tháng 4-2021, buộc đơn vị phải đóng cửa sáu tháng, đồng nghĩa với doanh thu về 0. Đến đầu tháng 10-2021, các nhà hàng được mở cửa lại nhưng lượng khách, doanh thu đều giảm khoảng 30%.

Một khó khăn nữa là dù vắng khách hay đóng cửa thì các nhà hàng, quán ăn vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng một tháng. Vì vậy, nhiều nhà hàng phải trả lại mặt bằng, chấp nhận “bỏ đi” nhiều tỉ đồng đã đầu tư.

Thay đổi để tồn tại

Trước những khó khăn do đại dịch, các đơn vị trong ngành dịch vụ ăn uống đang tìm mọi cách xay xở vượt khó. Ông Đoàn Minh Phú, Giám đốc chuỗi nhà hàng siêu thị Thế Giới Hải Sản, cho hay đơn vị đã đặt ra mục tiêu chiến lược: Duy trì hoạt động, giữ được việc làm cho người lao động, giảm bớt phần nào thua lỗ và phục hồi kinh doanh sau dịch.

Để có thể đạt được mục tiêu đó, ngay từ đầu dịch, công ty đã tiết giảm tất cả chi phí vận hành trong nhà hàng, đóng cửa một số nhà hàng vì lượng khách giảm quá lớn. Song song đó, ban lãnh đạo nhà hàng kêu gọi người lao động chấp nhận giảm 30%-40% thu nhập để giảm chi phí mà không phải cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt. Đặc biệt, công ty nhanh chóng tái cơ cấu, đẩy mạnh việc bán hàng online, chế biến và phục vụ khách hàng ngay tại nhà.

“Tuy nhiên, hầu như chúng tôi không có tài sản thế chấp, lợi nhuận trong hai năm qua âm nên để vay vốn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, chúng tôi cần Chính phủ hỗ trợ bằng cách giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn hoặc miễn đóng BHXH” - ông Phú kiến nghị.

Đại diện một số công ty khác cũng cho hay trong ngành F&B, chi phí thuê mặt bằng chiếm tỉ trọng rất lớn nên nếu được bên cho thuê mặt bằng hỗ trợ thì sẽ sớm khôi phục, người lao động có việc làm và giúp an sinh xã hội tốt hơn. Vì vậy, họ mong muốn Chính phủ có các quy định và động viên các đơn vị, cá nhân cho thuê có thể giảm tiền mặt bằng trong điều kiện bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Kiên cũng nêu thực tế, hiện các đơn vị kinh doanh ăn uống đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn lưu động. Một số khảo sát cho thấy 70% nhóm doanh nghiệp này phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Vì vậy, để giúp giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng ngành F&B thì giải pháp tài chính hiệu quả là tài trợ chuỗi cung ứng.

“Tài trợ chuỗi cung ứng là hoạt động kết nối giữa bên mua - bên bán và các tổ chức tài chính. Đây là giải pháp giúp các cơ sở kinh doanh giảm thiểu các chi phí tài chính, cải thiện hiệu quả kinh doanh và quan trọng hơn giúp giải phóng vốn lưu động đang mắc kẹt trong chuỗi cung ứng” - ông Kiên lý giải.

Ngành dịch vụ có doanh thu khủng 900.000 tỉ đồng

Tổng doanh thu bán hàng ngành dịch vụ ăn uống của Việt Nam đạt hơn 900.000 tỉ đồng vào năm 2020, qua đó đóng góp cho ngành thực phẩm và đồ uống vào GDP khoảng 15,8%.

Xét về quy mô dịch vụ F&B, tính đến đầu năm 2020, cả nước có hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống, trên 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, trên 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm