Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4-2021, Việt Nam nhập siêu 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên do xuất siêu trong 3 tháng lớn, nên tính chung 4 tháng, cán cân thương mại vẫn đạt thặng dư.
Đà tăng trưởng lớn hơn của nhập khẩu so với xuất khẩu tiếp tục duy trì sang tháng 5. Nhập siêu tháng 5 đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tính chung 5 tháng đầu năm 2021 cán cân thương mại nhập siêu 473 triệu USD.
Nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu, trong thời gian qua cơ cấu này tương đối ổn định và không có biến động, khi nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao trong nhập khẩu là tư liệu sản xuất. Cụ thể gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giày và nhóm hàng nhiên liệu như xăng dầu, than, dầu thô, than đá...
Tư liệu sản xuất như linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác... tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong nhập khẩu. Ảnh minh họa: QUANG HUY
Vì sao nhập khẩu tăng cao?
Trên thực tế, nguyên nhân nhập khẩu tăng cao gần đây đến từ việc giá cả hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu gia tăng. Cùng với sự phục hồi sản xuất sau khi dịch COVID-19 được khống chế ở khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, thế giới đang trong một vòng xoáy tăng giá các nguyên liệu sản xuất cơ bản, gây nên tình trạng gia tăng giá trị nhập khẩu.
Cụ thể như xăng dầu, nhập khẩu 5 tháng tăng 41,5% do giá tăng 26,1% so với cùng kỳ; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng lần lượt là 60% và 35,6%; nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu tăng 50,6% do giá tăng 25,6%; sắt thép nhập khẩu tăng 37,9%, do giá tăng 26,3%; kim loại thường khác nhập khẩu tăng 50,5%, do giá tăng 28,6%.
Bên cạnh đó, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày tăng mạnh. Năm tháng nhập khẩu vải là 6 tỷ USD, tăng 33%; nguyên phụ liệu dệt, may, da là 2,8 tỷ USD, tăng 32,5%; xơ, sợi dệt các loại là 1,12 tỷ USD, tăng 34,4%, bông là 1,3 tỷ USD, tăng 19,7%.
Dệt may và da giày vốn là hai nhóm hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta đều có số ca bệnh ở mức cao và phải thực hiện các biện pháp giãn cách trong năm 2020 và đầu năm 2021.
Những tín hiệu khả quan về việc triển khai tiêm chủng mở rộng ở các quốc gia này cũng như dự báo về sự mở cửa lại của các quốc gia đi cùng với cầu tiêu dùng được hồi phục đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các ngành này để chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu.
Ở phía xuất khẩu, trong tháng 5 một số nhóm hàng vốn có kim ngạch xuất khẩu cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện cũng ước giảm nhẹ so với tháng trước do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi hoạt động của một số nhà máy tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đang phải tạm ngừng để kiểm soát sự lây lan bệnh dịch.
5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày tăng mạnh. Ảnh minh họa: QH
Mặc dù nhập khẩu tăng cao, nhưng nếu phân tích kỹ, nhập khẩu vẫn tập trung vào nhóm nguyên nhiên vật liệu, tư liệu sản xuất, khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ và với bối cảnh đang có những tín hiệu tích cực về phục hồi cầu tiêu dùng tại các thị trường các nước phát triển thì nhu cầu đầu vào gia tăng phục vụ sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho giai đoạn tới là phù hợp.
Xuất khẩu dự báo vẫn khả quan
Trong thời gian tới, xuất khẩu tiếp tục có những yếu tố thuận lợi như triển vọng tăng trưởng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định EVFTA, khi các doanh nghiệp đã có một khoảng thời gian để “thích nghi” với các yêu cầu, đặc biệt là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Cạnh đó, Hiệp định UKVFTA - khi Anh đang là một trong các quốc gia đi đầu ở châu Âu trong tổ chức tiêm vắc xin và sẽ triển khai nới lỏng các biện pháp giãn cách.
Ngoài ra, cầu hàng hóa ở các thị trường được khôi phục dần như đã đề cập. Các dự án lớn của các doanh nghiệp FDI từ làn sóng chuyển dịch đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện tử, sản xuất máy móc thiết bị,… sau khi đi vào hoạt động cũng sẽ kỳ vọng là yếu tố đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu chung.
Với việc thị trường nước ngoài có dấu hiệu tích cực trở lại sau khi đã triển khai tiêm vắc xin và nới lỏng các biện pháp giãn cách, để đẩy mạnh khai thác các cơ hội từ các FTA, giải pháp trước mắt là tăng cường các chương trình đào tạo, phổ biến cho các doanh nghiệp dưới các hình thức đa dạng, trong đó có hình thức trực tuyến, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết, các công việc cần triển khai. Đồng thời tăng cường xây dựng các đầu mối hỗ trợ để thực thi hiệu quả; liên kết đầu mối thực thi tại các Bộ, ngành và địa phương.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu về trung và dài hạn là chú trọng xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.