Nhiều ông lớn Việt nhảy vào sân chơi thương mại điện tử

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong bối cảnh mới, các đại gia Việt đã nhanh nhạy tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… để phát triển thị trường.

Chính vì thế, bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee…, gần đây thị trường thương mại điện tử (TMĐT) liên tục đón nhận nhiều cái tên mới.

Trải nghiệm “ẩm thực trên mây”

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây đã bất ngờ công bố ra mắt sàn TMĐT có tên Vnamall. Hãng này tự tin cho biết với ưu thế là sàn của một hãng hàng không, Vnamall sẽ mang đến những sản phẩm đậm dấu ấn hàng không, cũng như tận dụng được khả năng kết nối của gần 100 đường bay trong và ngoài nước.

Hiện tại, sàn này có hơn 300 sản phẩm từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm… mang thương hiệu của hãng. Đặc biệt, theo hãng hàng không này, khách hàng có thể đặt mua và trải nghiệm “ẩm thực trên mây” như rượu vang hạng thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ của hàng không.

“Với sản phẩm đa dạng, liên tục được cập nhật, chúng tôi sẽ giúp hoàn thiện chuỗi trải nghiệm của khách hàng ngày càng đa dạng và hiệu quả hơn” - đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Trước Vietnam Airlines, hãng hàng không VietJet cũng cho biết có kế hoạch ra mắt một nền tảng TMĐT cung cấp mọi thứ từ các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng. Hãng bay giá rẻ này còn dự định bắt tay cùng các ngân hàng, khách sạn và các doanh nghiệp để ra mắt dịch vụ.

Tương tự, Công ty TNHH Tép Bạc đã ra mắt sàn TMĐT có tên Tepbac eShop, dành riêng cho ngành thủy sản. Sàn cung cấp các sản phẩm cho người nuôi thủy sản, bao gồm con giống, thuốc, thức ăn, vi sinh, máy móc, thiết bị nuôi trồng.

Ông Trần Duy Phong - CEO Tép Bạc cho biết tác động của dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn làm gián đoạn sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, sàn TMĐT này sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho người nuôi, đồng thời giải quyết đầu ra cho đại lý, nhà sản xuất, giúp họ tăng khả năng tiếp cận khách hàng mới.

Đáng chú ý, Thế Giới Di Động đang đẩy mạnh mảng bán hàng online bằng việc nâng cấp các website. Đặc biệt dù đã sở hữu hai website bán hàng khủng, có hàng trăm ngàn lượt truy cập mỗi tháng nhưng vẫn quyết định bắt tay hợp tác với các sàn TMĐT khác như Shopee, Lazada và Tiki.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, cho rằng xu hướng mua sắm online sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, điều này có được một phần là do tác động của dịch COVID-19 gây nên. Những bà nội trợ chỉ quen với việc ra chợ, đi siêu thị thì thời dịch dần học được cách mua hàng từ Zalo, Facebook và trên các sàn TMĐT. Vì vậy, đơn vị hợp tác với các sàn TMĐT để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Người dân mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều hơn. Trong ảnh: Nhân viên một sàn thương mại điện tử đang soạn hàng cho khách. Ảnh: TH

Chậm chân sẽ tụt hậu

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), nhìn nhận dịch COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng TMĐT đã phát triển theo hướng đồng bộ giữa người mua và người bán. Dịch cũng giúp TMĐT trở thành kênh kết nối tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu các mặt hàng nông sản vốn trước đây phần lớn bán qua kênh trực tiếp.

“Các doanh nghiệp đã xem cơ hội đưa hàng hóa lên sàn TMĐT là một yếu tố sống còn trong đại dịch. Xu hướng TMĐT xuyên biên giới, xuất khẩu hàng hóa qua kênh bán hàng trực tuyến cũng đang gia tăng mạnh mẽ… Đây là yếu tố thúc đẩy thị trường, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, nhận định dịch COVID-19 là chất xúc tác giúp TMĐT phát triển nhanh, mạnh hơn. Ước tính trong giai đoạn dịch vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội nhưng TMĐT ở Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18%. “Hiếm nước nào trong khu vực Đông Nam Á, TMĐT tăng trưởng hai con số trong đại dịch” - ông Hải đánh giá.

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người dân mua sắm trực tuyến nhiều hơn, từ các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày như thực phẩm, thuốc men. Điều này buộc các doanh nghiệp phải chủ động tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành để có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù TMĐT đang phát triển khá nhanh và ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như nhiều công ty Việt chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu dữ liệu vận hành trên nền tảng số, khả năng tiếp cận khách hàng, chi phí vận hành... Thậm chí nhiều nhà sản xuất, kinh doanh vẫn còn mơ hồ nên quá trình thay đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang doanh nghiệp số gặp nhiều trắc trở.

Có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới

Thông tin trong Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2021 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỉ lệ người dân sử dụng Internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Nếu như năm 2016 đạt 5 tỉ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỉ USD và năm 2020 là 11,8 tỉ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

Đáng chú ý, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải TP lớn. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai. Điều này cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm thuật kỹ số của người dùng Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm