Phương thức nhóm mua chung giúp hàng tươi ngon, giá rẻ

Mua chung từng là phương thức kinh doanh khá phổ biến cách đây nhiều năm. Sau đó, mô hình này lặng lẽ rút lui trước sự trỗi dậy của thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Tuy nhiên trong thời gian giãn cách xã hội, mô hình này hồi sinh một cách mạnh mẽ ở TP.HCM.

Các nhóm mua chung xuất hiện nhiều trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: PM

Sống lại mô hình đã biến mất

Những ngày gần đây, cô Ngọc Hiếu, giáo viên dạy tiếng Anh tại quận Gò Vấp, TP.HCM, luôn bận rộn và hầu như làm việc không ngơi tay. Cô là người đứng đầu một nhóm mua chung với hàng trăm hội viên được lập ra từ khi Chỉ thị 16 của TP.HCM có hiệu lực. Cứ cách nhật hai ngày, 1 tấn rau củ quả các loại được chở từ các vựa rau miền Tây lên nhà cô để tiêu thụ. Cô Hiếu có nhiệm vụ gói và gọi shipper giao hàng cho những đơn hàng mà người mua đặt trước.

“Nguồn cung gián đoạn, hệ thống phân phối bị thu hẹp, siêu thị quá tải… khiến thực phẩm trở nên khó kiếm và giá cả bị đội lên. Trong bối cảnh đó, cũng như nhiều người dân TP.HCM, tôi cảm thấy áp lực trong việc tìm mua thực phẩm, đặc biệt là rau tươi rất khó mua. Thông qua nhiều mối quan hệ, tôi quyết định tìm mua rau của nông dân để giảm khâu trung gian” - cô Hiếu giải thích.

Khi trao đổi mua bán với nông dân, cô mới thấy nguồn rau củ quả tại ruộng rất nhiều và giá hết sức rẻ. Thông qua các đầu mối ở các vựa rau miền Tây, cô Hiếu đem đến cho mọi người trong nhóm mua chung đủ loại rau tươi với giá hợp lý. Ví dụ, chanh tại vườn giá chỉ có 3.000 đồng/kg nhưng cô quyết định mua 6.000 đồng/kg để ủng hộ cho nông dân. Sau khi cộng các chi phí, đơn hàng chốt giao tận tay cho người mua trên TP là 12.000 đồng/kg.

“Vào những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, giá chanh có lúc leo lên 40.000 đồng/kg mà không có hàng để mua. Do vậy, với mức giá 12.000 đồng/kg, nhiều người hết sức bất ngờ vì quá rẻ trong mùa dịch căng thẳng này. Nhờ mua khối lượng lớn thì mới có giá rẻ, chi phí chuyên chở thấp. Hơn nữa, đây là nhóm mua để hỗ trợ nhau trong mùa dịch chứ không lấy lời” - cô Hiếu nói.

Chị Hoàng Oanh, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phường An Phú, quận 2, cũng hình thành nhóm mua chung sau khi cơ sở kinh doanh của chị đóng cửa do dịch. “Nhà có trẻ con nên tôi cần trứng để đa dạng món ăn, tránh nhàm chán. Nhưng vào siêu thị, trứng được quy định bán theo định mức, chưa kể xếp hàng rất lâu mà đến khi vào được thì có khi quầy trứng trống trơn. Mua ngoài chấp nhận giá cao gấp đôi nhưng cũng có lúc không có hàng, đặt online trên các trang thương mại điện tử đơn hàng liên tục bị hủy” - chị Oanh giải thích lý do lập nhóm mua chung.

Trong quá trình tìm kiếm nguồn trứng, may mắn chị được người quen cho số liên lạc trực tiếp với một trang trại gà ở Tiền Giang. Tuy vậy, họ bảo phải mua 1.000 trứng trở lên mới giao đến tận nhà và giá chỉ 2.500 đồng/quả. Thế là chị Oanh lập tức thiết lập ngay một nhóm mua trong khu chung cư, nhân viên công ty và người thân. Với gần 30 người đăng ký mua, số lượng vượt lên con số 1.000 quả. Trứng được giao tại nhà chị, sau đó phân phát đến các người mua khác.

Cô Hiếu, chị Oanh chỉ là một trong số hàng ngàn nhóm mua chung đang hoạt động rất nhộn nhịp tại TP.HCM trong mùa giãn cách, nhất là ở các khu chung cư. Nhiều người đã trở thành đầu mối mua chung cho hàng trăm người cùng lúc, qua đó hỗ trợ nhau có thực phẩm tươi ngon, phong phú.

Lợi đôi đường

Nhóm mua chung đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ có giá chiết khấu tốt nhờ vào số lượng người mua đông. Chị Mộng Thúy, nhân viên văn phòng ở quận 3, tham gia một nhóm mua ở chung cư nơi mình cư ngụ, nhận xét giá rẻ hơn siêu thị nhưng vẫn có trái cây, rau tươi ngon, phong phú.

“Nhờ đó nhà tôi ăn ngon hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra. Tôi cũng cảm thấy sự thoải mái và tiện lợi khi nhận đồ từ hàng xóm mua chung. Điều này giúp tránh phải ra đường khi không cần thiết, cũng như tuân thủ phòng chống dịch của Nhà nước” - chị Thúy nói.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận xét mua theo nhóm hay mua chung là một thỏa thuận có lợi cho cả khách hàng và nhà sản xuất. Bởi vì nhóm mua giảm thiểu được các khâu trung gian và giúp kết nối trực tiếp giữa người tiêu thụ và doanh nghiệp, còn được gọi là C2M (consumer to manufacturer).

Chẳng hạn, thông thường một trại gà phải bán trứng cho đại lý cấp 1, rồi sau đó từ nhà cung cấp lớn này sẽ lan tỏa đến nhà phân phối cấp 2, cấp 3… rồi mới đến tay người tiêu dùng. Cứ qua mỗi khâu trung gian, giá trứng sẽ được đẩy lên. Mua chung đã xóa bỏ điều này, có nghĩa người tiêu dùng không mua qua nhà cung cấp mà mua trực tiếp từ nhà sản xuất, qua đó giá sẽ rẻ hơn.

“Đối với người tiêu dùng, giá rẻ trong thời điểm hiện nay khi thu nhập giảm sút là ưu tiên hàng đầu. Còn nhà sản xuất, bán trực tiếp cũng có lợi vì có đơn hàng lớn, không phải cắt giảm chiết khấu cho nhà cung cấp. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi, mọi thứ vận hành bình thường thì mua chung có khi không thuận tiện bằng ra siêu thị, chợ hay mua trên các trang thương mại điện tử” - ông Hải nói.•

 

Làm vì đam mê chứ không phải kiếm tiền

Mua chung, mua theo nhóm cũng gặp một số khó khăn. Bởi họ phải tự lên kế hoạch mua hàng, chốt đơn, phân loại hàng hóa, giao hàng… nên đôi khi khó đảm bảo mọi thứ chi tiết, chưa kể không có nhiều người để hỗ trợ công việc. Đại diện quản lý nhóm cũng phải dành một không gian khá lớn trong nhà để tạm trữ hàng hóa cho mọi người.

“Nhiều khi cũng có vài trục trặc nhỏ như hàng hóa dôi ra khá nhiều khi đơn hàng đã giao hết. Nhưng cũng có cách giải quyết. Vì nhóm mua không phải hoạt động với mục tiêu lợi nhuận nên hàng dư sẽ được đưa vào các bếp ăn 0 đồng phục vụ cho những người đang ở các khu vực bị cách ly, phong tỏa vì dịch bệnh. Nhìn chung lúc này tôi làm vì đam mê thay vì mục tiêu kiếm tiền. Dịch bệnh kết thúc, tôi lại trở về nghề giáo viên” - cô Hiếu chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cũng cho rằng rào cản trong việc hình thành các nhóm mua chung là rất thấp vì hầu hết đến từ người quen, từ đây mở rộng thêm mạng lưới. Hầu hết nhóm mua hình thành trên cơ sở tự nguyện, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn của mùa dịch nên tính ổn định khá cao.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.