Quy định điều chỉnh giá điện mới: Chỉ EVN có lợi!

Trường hợp thông số đầu vào tại thời điểm tính toán biến động so với thông số dùng để xác định giá thành điện kế hoạch, làm giá bán điện bình quân từ 5% trở lên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định giảm giá bán điện tương ứng. Trường hợp thông số đầu vào cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành 2%-5%, EVN được phép tăng giá bán tương ứng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng dự thảo quy định giới hạn biên độ chênh lệch thông số đầu vào 2%-5% là quá hẹp. Điều này xảy ra trường hợp việc điều chỉnh giá điện diễn ra nhiều lần, liên tục, làm giảm yếu tố ổn định giá. “Thông số đầu vào tối thiểu 2%, EVN được tăng giá bán lẻ và thông số đầu vào từ 5% trở lên mới giảm giá bán thì quá thiệt cho người tiêu dùng. Theo tôi các giới hạn thông số này cần lấy ngang bằng nhau” - ông Long kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo ông Long, cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát giá đầu vào độc lập đối với EVN. Các thông số như giá dầu, giá chào bán, thiết bị vật tư cần phải giám sát biến động hằng ngày, nhất là khi các thông số này có chiều hướng giảm nhưng EVN lờ đi. Giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng cái chính là minh bạch số liệu và công thức tính giá thành.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: EVN đang độc quyền và lâu nay họ chưa khi nào đề xuất giảm giá điện, mặc dù có thời điểm giá nguyên liệu đầu vào giảm. “Dự thảo quy định mới sẽ tạo cho EVN thêm điều kiện tăng giá nhiều hơn trong khi người tiêu dùng và cả xã hội lại phụ thuộc hoàn toàn vào EVN” - ông Doanh lo lắng.

Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), đơn vị tham mưu soạn thảo dự thảo, cho biết văn bản đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Do đó, các chuyên gia, người dân cứ thoải mái đưa ra các đánh giá, nhận định, phân tích, tổ soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, từ đó ban hành nội dung chính thức phù hợp.

l Ngày 7-3, EVN thông báo sản lượng điện do EVN sản xuất có xu hướng giảm mạnh, lượng điện mua ngoài đang tăng nhanh. Đặc biệt, tình hình nguồn điện tại miền Nam sẽ căng thẳng do không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành trong năm 2013. Dự kiến mùa khô năm nay, EVN phải huy động khoảng 1,113 tỉ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO với giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm