Sau 18 giờ, xe chở hàng thiết yếu vẫn 'dễ đi nhưng khó về'

Kiến nghị cho phép gia giảm nguyên phụ liệu trong mì gói

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, cho biết khi thực hiện sản xuất ba tại chỗ (3T), sau hơn nửa tháng, ngoài một số DN chủ lực của ngành, tập trung ở nhóm thịt gia cầm, gia súc hầu hết giữ được năng lực sản xuất từ 100-200%. Các nhóm ngành khác như mì ăn liền, thủy hải sản chế biến, gia vị…đa phần năng lực sản xuất chỉ duy trì từ 40-70% so với thời điểm bình thường.

Theo bà Chi, thực tế DN đang rất lo lắng trước nguy cơ hiện hữu là phải dừng sản xuất, khi gần đây xuất hiện tình trạng dịch xâm nhập vào một số nhà máy dù những DN này đều đang thực hiện sản xuất 3T theo đúng quy định. Nếu tình trạng này còn tiếp tục lan rộng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM rất lớn.

Mặt khác, với đặc thù của ngành, ngoài các nguyên liệu chính các DN sản xuất  phải nhập từ nhiều nhà cung cấp với nhiều nguyên phụ liệu khác nhau.

Tuy nhiên, hiện nay khả năng các nhà cung cấp có thể sẽ dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 là có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu không nhập được một loại nguyên liệu nào đó DN sản xuất cũng phải ngừng hoạt động theo.

“Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, Hội đề xuất cho phép DN có thể tìm các loại gia vị, hương liệu, phụ gia khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm như trước đây. DN cam kết tuyệt đối là sự điều chỉnh này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”- bà Chi nói.

Bà Chi dẫn chứng, đối với nhóm mì ăn liền, các nguyên liệu phụ như hành lá khô, tiêu… đều được đặt hàng gia công từ các nhà cung cấp về gia vị. Chẳng may một trong các nhà cung cấp này dừng hoạt động sản lượng nhập về không đủ thì DN có thể chủ động gia giảm phù hợp.

Tuy nhiên, Theo Luật An Toàn Thực Phẩm và các quy định liên quan với những điều chỉnh trên, DN cần phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại.

“Thông thường việc này mất khá nhiều thời gian và trong thời điểm này sẽ càng mất nhiều thời gian hơn nữa. Và nếu in lại bao bì chi phí phát sinh sẽ rất lớn trong khi bao bì cũ còn nhiều phải bỏ đi sẽ rất lãng phí. Như vậy khả năng các DN sẽ phải tạm ngưng sản xuất là rất cao” - bà Chi nói.

Theo bà Chi trong bối cảnh hiện nay, DN rất cần các giải pháp xử lý linh động từ chính quyền bởi phương án điều chỉnh nguyên liệu phụ này chỉ là giải pháp tạm thời trong ngắn hạn.

Do đó, Hội đề nghị cho phép được thay thế các thủ tục nói trên bằng cách DN gửi báo cáo chi tiết bằng văn bản cho các cơ quan liên quan và thông tin minh bạch đến người tiêu dùng.

Chở hàng thiết yếu không qua được chốt kiểm soát

Ngoài khó khăn về lo lắng nguồn cung nguyên liệu đứt gãy, theo bà Chi khi TP.HCM và các tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển, kể cả trong nội thành thành phố và đi liên tỉnh.

Trên cơ sở các kiến nghị quyết liệt của các hiệp hội ngành hàng cả nước và DN, vấn đề lưu thông hàng hóa đã được Chính phủ, các Bộ ngành tháo gỡ.

Tuy nhiên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ theo kiểu “phép vua thua lệ làng”, đòi hỏi các thủ tục khiến vấn đề này đến thời điểm này chưa triệt để, khiến DN bức xúc. 

Đơn cử, tại TP.HCM các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông từ 18 giờ đến 6 giờ giờ sáng hôm sau. Thế nhưng thực tế lại xảy ra các tình huống là xe không qua được chốt kiểm dịch đường M1 từ khu công nghiệp Tân Bình ra quốc lộ dù xe đã được cấp mã QR và báo với chốt là xe chở hàng thiết yếu.

Một số chốt khác ở các cửa ngõ của thành phố thì sau 18 giờ xe không thể qua chốt vì trên xe không chở hàng hóa dù có giấy tờ giao nhận hàng thiết yếu nên tài xế phải ngủ lại trên xe.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan, cho biết khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16 nâng cao, do đặc thù của công ty hoạt động vào ban đêm, tức là heo giết mổ xong khoảng một hai giờ sáng là phải vận chuyển ra điểm bán, rồi điểm bán mới pha lóc ra chuẩn bị năm sáu giờ sáng bán.

Tuy nhiên, vấn đề vận chuyển bằng xe tải Vissan thuận lợi nhưng xe cá nhân không được nhiều vì không nhận diện hết. Giấy tờ Vissan xin phép có nơi cho qua, có nơi không.

“Chúng tôi kiến nghị theo từng ngành nghề đặc thù cần có những ưu tiên để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi” - ông Phú nói.

Đại diện Công ty Ba Huân cho biết, trước đây 5 giờ sáng là có mặt để giao hàng cho siêu thị nhưng hiện nay hầu như hệ thống siêu thị 7 giờ đến 7 giờ 30 mới nhập hàng. Buổi chiều thì có siêu thị 15 giờ không nhập hàng nữa để nhân viên về trước 18 giờ.

Trong tám tiếng đồng hồ để phục vụ hết các hệ thống siêu thị TP.HCM với điều kiện vậy là không xuể với DN. Bên cạnh đó, có những siêu thị giao hàng chỉ bán được hai ba ngày rồi bị vướng vào F0 nên tạm đóng cửa. Hàng tồn trong đó siêu thị yêu cầu DN thu hồi về.

"Có hệ thống chuỗi siêu thị có thể tự luân chuyển qua các điểm bán khác, đằng này yêu cầu DN phải thu hồi về trong khi DN phục vụ cung ứng không kịp khó khăn phải đi thu hồi” - đại diện công ty Ba Huân chia sẻ.

Song song đó, siêu thị 7 giờ 30 mới mở cửa nhập hàng nhưng DN xếp tài ba tiếng đồng hồ mới giao được hàng. Trong điều kiện một ngày DN có duy nhất một xe tải, một tài xế mà tình trạng như vậy rất khó cho DN.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.