Sau Tết, giá thực phẩm tạm hạ nhiệt

Ngày 21-2 (nhằm mùng 6 Tết), đoàn lãnh đạo Thành ủy - UBND TP.HCM do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến dẫn đầu đã có buổi làm việc với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM-Saigon Co.op về tình hình kinh doanh Tết Mậu Tuất.  

Báo cáo nhanh vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết doanh số kinh doanh và lượt khách đến hệ thống Saigon Co.op trong những ngày Tết bình quân tăng gấp ba lần doanh số ngày thường và tăng gần 10% so với cùng năm trước. Đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng cả nước.

Ngoài đảm bảo lượng hàng bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn, Saigon Co.op còn kết hợp tặng hơn 10.000 phần quà Tết cho các gia đình chính sách khó khăn… cũng như công đoàn Saigon Co.op chăm lo Tết cho tất cả công đoàn viên với tổng mức gần 6 tỉ đồng…

Khách hàng đang mua sắm tại siêu thị.

Ông Tuyến đánh giá cao những nỗ lực của Saigon Co.op trong việc chuẩn bị chu đáo nguồn hàng và nhân lực… để phục vụ xuyên suốt trước và sau Tết cho người tiêu dùng theo hướng tập trung vào chất lượng. Đặc biệt đánh giá cao công tác chăm lo cho đời sống người lao động và công tác xã hội.

Sáng mùng 6 Tết, ghi nhận tại một số chợ lẻ, hoạt động buôn bán vẫn chưa sôi động. Người tiêu dùng mua sắm chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, hoa, trái cây. 

Hiện nay, tùy một số mặt hàng rau củ mà giá có biến động. Chẳng hạn, so với trước Tết, khổ qua, cà chua, dưa leo, bông cải trắng… có giảm giá gần gấp đôi nhưng vẫn còn ở mức cao 20.000-40.000 đồng/kg.

Bà H., tiểu thương hàng rau củ chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết hôm nay mới bán mở hàng trở lại, giá một số mặt hàng có tăng. Do đầu năm nên hàng hóa cũng không phong phú vì các mối vẫn còn “ăn Tết”. Hiện nay khoai lang không có hàng để lấy về bán do nguồn hàng đã được tiêu thụ trước Tết do nhu cầu làm mứt…

Giá một số thực phẩm rau củ tăng nhẹ.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, thị trường Tết 2018 tại TP.HCM tương đối ổn định, chương trình Bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực.

Sức mua thị trường Tết năm nay tăng 10%-15% so với Tết 2017, trong đó mãi lực tại các hệ thống phân phối hiện đại gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi... tăng 20%-30%.

Sau Tết, người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn Tết” bằng “vui Tết”, “chơi Tết” nên lượng khách mua sắm thời điểm này không đông, sức mua chậm. Tuy nhiên, các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh và chưng cúng vẫn tăng mạnh, đặc biệt là rau xanh, thịt gia cầm.

Năm nay, đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ bắt đầu khai trương, đi vào hoạt động vào mùng 6, mùng 8 Tết. Dự kiến thời gian tới, khi hoạt động sản xuất trên địa bàn TP trở lại bình thường, sức mua của thị trường sẽ tăng mạnh trở lại.

Các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các phương án giảm giá, khuyến mãi kích cầu, tổ chức phân phối, bán hàng lưu động… đảm bảo không để thị trường thiếu hàng, biến động giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm