Sữa cứ liên tục tăng giá

Tổng hợp ghi nhận từ các đại lý cho thấy vào đầu năm 2013, hãng sữa Dumex, Mead Johnson đã “mở màn” bằng việc điều chỉnh giá các sản phẩm của mình tăng 8,5%-10%. Đầu tháng 3, Friesland Campina Việt Nam tăng giá sản phẩm trung bình 8%-9%, Abbott cũng tăng 2%-9%. Đầu tháng 4, Nestlé tăng giá thêm 8%-9%... Chưa hết, đến đầu tháng tới (1-8-2013), giá sữa nhập khẩu Insulac IQ sẽ tăng thêm 7%...

Giá thay đổi nhưng các nguyên nhân tăng giá được đưa ra hầu như không mới như là giá cả đầu vào tăng, thay đổi bao bì, bổ sung thành phần…

Hiện nay thị trường sữa Việt Nam có gần 500 dòng sản phẩm. Sữa nội chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước, 70% phải nhập khẩu, trong đó 20% là thành phẩm. Trong bối cảnh như vậy, giá sữa Việt Nam đương nhiên phụ thuộc vào giá sữa quốc tế.

Sữa cứ liên tục tăng giá ảnh 1

Một người tiêu dùng đang chọn mua sữa tại cửa hàng. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, thông tin từ Cục Quản lý Giá cho thấy trong nửa đầu năm 2013, sữa nguyên liệu trên thế giới đều giảm. Hiện giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng.

Trước tình hình này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Nhà nước cần xem xét lại những yếu tố tăng giá nêu ra có hợp lý, mức tăng có phù hợp không vì không phải ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng bởi giá xăng, điện, nước, tỉ giá… Ngành sữa bị ảnh hưởng chủ yếu bởi giá nguyên liệu đầu vào, còn điện nước nếu có tăng cũng không chiếm trị giá lớn trong cơ cấu sản phẩm.

Bên cạnh đó là quyền lực của người tiêu dùng còn quá yếu. Mặt khác, dù Luật giá đã đưa sữa vào mặt hàng bình ổn giá nhưng chỉ mới chú trọng mặt hàng sữa dành cho trẻ em. Các dòng sản phẩm sữa còn lại đang tự do, dẫn đến sự biến tướng như cách chuyển thành sản phẩm dinh dưỡng vừa qua. Việc thực thi Luật giá cũng còn yếu, mức xử phạt và năng lực điều tra còn nhiều hạn chế.

TS Nguyễn Ngọc Sơn, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhận định: “Bản thân Luật giá hiện nay không can thiệp được vào các hành động liên quan đến việc tăng giá, ép giá. Luật giá chủ yếu đặt ra cơ chế liên quan đến minh bạch giá, ngăn chặn tình trạng đưa thông tin không chính xác về giá. Đối với mặt hàng sữa, Luật giá cũng chỉ đưa vào diện bình ổn giá để hỗ trợ giá chứ không phải là cơ chế kiểm soát, định giá”.

Chị Lê Thị Hoàng, chủ cửa hàng sữa ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết gần đây một số hãng sữa khuyến mãi bằng cách tăng giá trị quà tặng nhưng giảm chiết khấu cho đại lý.

Chẳng hạn, sản phẩm sữa Physiolac số 1 nhập từ Pháp, khi chiết khấu 15% thì số tiền được trừ nếu mua một thùng là khoảng 71.000 đồng, số tiền cửa hàng phải trả cho công ty là 403.000 đồng. Giờ chiết khấu còn 8%, số tiền được trừ nếu mua một thùng là 38.000 đồng, giá cửa hàng phải trả cho công ty là khoảng 436.000 đồng/thùng. Phần chênh lệch chiết khấu 33.000 đồng thuộc về công ty.

Do muốn đủ lợi nhuận và trang trải các chi phí khác nên cửa hàng nâng giá bán. Họ lấy mức chênh lệch chiết khấu bị mất đi cộng vào giá bán lẻ cũ. Kết quả: Sản phẩm Physicolac số 1 và số 2 trước đây có giá 412.000 đồng/hộp nay lên 441.000 đồng/hộp, lon Physiolac số 3 giá cũ 395.000 đồng nay là 426.000 đồng.

Một số chuyên gia marketing cho rằng đây là cách tăng giá “không chính thức” của các hãng sữa. Bởi họ thừa hiểu người bán sẽ tự động tăng giá theo các mức khác nhau để bảo đảm lợi nhuận riêng. Tùy mỗi nơi, có chỗ tăng nhiều, có chỗ tăng ít hoặc không tăng. Nhưng dù với cách nào đi nữa, hãng sữa vẫn không bị mang tiếng.

T.UYÊN

TÚ UYÊN - MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm