Buổi tọa đàm "Kinh nghiệm xuất khẩu & Xu hướng thị trường châu Á và thế giới" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức ngày 20-6.
Qua nhiều trung gian giá mất đi gần một nửa
Nói về chiến lược thâm nhập của các DN thực phẩm nước ngoài tại Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Vinamit, Phó Chủ tịch Hội DN HVNCLC chia sẻ, những năm gần đây, các DN nước ngoài phát triển rất nhanh tại thị trường Trung Quốc và đang có nhiều cơ hội, ưu đãi từ thị trường này.
Theo ông Viên, khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc thứ nhất là khác biệt về văn hóa, thứ hai là thương hiệu. Ở Trung Quốc người tiêu dùng rất chú trọng thương hiệu, từ thời trang đến ô tô, từ nội thất đến điện gia dụng, từ mỹ phẩm đến thực phẩm cũng không thể không có thương hiệu.
Vậy doanh nghiệp Việt cần quan tâm đến điều gì để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc? Theo ông Viên, sản phẩm nông nghiệp, lương thực thực phẩm của Việt Nam cận thị trường Trung Quốc nhanh nhất. Thế giới đều đang chuộng sản phẩm từ thiên nhiên, rau củ quả mang lợi ích cho sức khỏe.
Tọa đàm "Kinh nghiệm xuất khẩu & Xu hướng thị trường châu Á và thế giới"
Kênh online và các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Trung Quốc tăng trưởng nhanh. Muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc, đầu tiên các DN cần xâm nhập thông qua kênh Wallmart.
Ông Viên dẫn chứng, đối với sản phẩm xoài sấy dẻo, nếu bán trực tiếp vào Walmart sẽ được giá 9-10USD. Thế nhưng bán gián tiếp cho thương nhân thì chỉ được 5-6USD, mất gần một nửa vì qua trung gian.
Chưa hết, vì có quá nhiều trung gian DN lại bị khống chế giá vì thương nhân ràng buộc độc quyền. Trong khi làm việc với hệ hệ thống phân phối hiện đại như Wallmart thì vẫn có thể bán sản phẩm cho các kênh khác.
Cơm không còn là thức ăn chính
Xu hướng ăn vặt của giới trẻ Trung Quốc đang bùng nổ mạnh. Tỷ lệ tăng trưởng toàn ngành thức ăn vặt trung bình đạt 3.58%năm. Theo thống kê viện nghiên cứu công nghệ, năm 2018 qui mô ngành thức ăn vặt Trung Quốc đạt hơn 500 tỷ nhân dân tệ và năm 2019 mong muốn đạt hơn 543,9 tỷ .
Gạo không còn để nấu cơm là chính mà để làm bánh, các loại rau, trái cây được chế biến khô và làm bánh để ăn. Thức ăn vặt trở thành bữa ăn chính, thức ăn chính trở thành thức ăn vặt là đặc tính sản phẩm lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.
Việc kết hợp sản phẩm nông nghiệp đặc sắc tại từng địa phương với các loại thức ăn vặt cũng là một đặc trưng của ngành công nghiệp trong những năm gần đây.
Thực phẩm sạch Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng
Theo Hiệp hội công nghiệp thực phẩm Mỹ ước tính năm 2018 Trung Quốc trở thành quốc giá lớn nhất toàn cầu trong ngành nhập khẩu thực phẩm. Việt Nam là quốc gia ưu tiên số một của họ. Trung Quốc hay dùng từ “báu vật phương nam” khi họ có niềm tin vào sản phẩm nông nghiệp rau củ quả từ tự nhiên của Việt Nam.
Tuy nhiên, DN Việt nên nhớ nếu quá lạm dụng chất hóa học và bị phát hiện thì họ chắc chắn sẽ ngừng nhập. Thực tế có nhiều trường hợp đang bán tốt lại bị ngưng. Do đó phải khuyến cáo bà con canh tác phải theo xu hướng sinh học.
Tóm lại thâm nhập thị trường Trung Quốc quan trọng là bảo hộ thương hiệu. DN Việt bán cho thương nhân trong nước, thương doanh nhân ngay biên giới là bán xá. Bán cho nhà phân phối Trung Quốc phải có sự chuẩn bị mặt pháp lý, tránh bị mất thương hiệu như trường hợp Vinamit đã từng gặp. Ưu tiên hàng đầu là phải bán được hàng cho hệ thống siêu thị, đây là cách căn cơ nhất.