Tổng Giám đốc Hermès toàn cầu Patrick Thomas: Sai lầm khi nghĩ luxury là đắt tiền!

+ Ông Patrick Thomas: Với tôi thì luxury không có nghĩa gì cả. Luxury với nhiều người nghĩa là khoe khoang, là tiền bạc, là sự hào nhoáng… đều không mang nhiều nghĩa tích cực lắm. Tôi nghĩ chúng tôi không phải thuộc thế giới luxury mà là thế giới của những thợ thủ công tạo ra những mặt hàng chất lượng. Chúng tôi muốn là mặt hàng độc đáo, đơn giản nhưng được làm với sự chăm sóc kỹ lưỡng và chất lượng cao nhất.

. Nhiều người vẫn nghĩ đắt tiền tức là luxury?

+ Đó là suy nghĩ sai. Có thể hàng rất đắt tiền nhưng chất lượng kém hoặc chất lượng cao nhưng không phải mắc tiền. Có người từng nói một món hàng là xa xỉ là bạn “mong muốn sở hữu nó nhiều hơn là lý do cần phải có nó”. Bạn thấy một món đồ và lập tức thấy yêu, thấy muốn sở hữu mà chẳng cần phải có lý do, bạn không nghĩ đến giá của nó có quá mắc không hay mình có hợp với món đó không. Mỗi người chúng ta đều có quan niệm khác nhau về luxury. Với tôi, đó là khi tôi thả mình vào với thiên nhiên hoang dã, ở trong rừng, nghe tiếng chim hót… Đó là luxury.

Tổng Giám đốc Hermès toàn cầu Patrick Thomas: Sai lầm khi nghĩ luxury là đắt tiền! ảnh 1

. Chắc ông có nghe chuyện nhiếp ảnh gia Mỹ 30 tuổi Tyler Shields đã gây tranh cãi ầm ĩ khi công bố một bộ ảnh đốt chiếc túi Hermès Birkin có giá tới hàng chục ngàn USD để phản đối việc con người chúng ta ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào những giá trị vật chất. Ông nghĩ thế nào về chiến dịch đó?

+ Cuộc điều tra sau đó cho thấy đây là chiếc túi giả (cười). Nhưng chúng tôi đồng ý với chiến dịch đó, chúng ta không bao giờ nên mua một sản phẩm chỉ vì thương hiệu mà chúng ta nên mua sản phẩm khi thấy nó đem lại giá trị phù hợp. Tôi nghĩ người phụ nữ nên mua chiếc túi vì chất lượng, vì sự sáng tạo trong đó, vì nó đem lại sự hài lòng vui vẻ chứ không nên mua chỉ vì đó là chiếc túi mang nhãn hiệu Hermès. Nếu sau này Hermès làm một cái túi chất lượng kém thì bạn không nên mua. Bạn mua hàng vì bạn biết mình sẽ có đồ chất lượng cao chứ không phải vì điều gì khác. Với tôi, bản thân chất lượng sản phẩm phải quan trọng hơn so với thương hiệu.

. Khi ông mua một món hàng thì ông sẽ quan tâm tới yếu tố nào?

+ Tôi thích mua hàng ít thôi nhưng chất lượng cao. Đây là xu hướng chung ở thời điểm này, vì chúng ta đang sống ở thời đại văn minh mà đa số đã thỏa mãn những nhu cầu căn bản. Chúng ta sẽ ngày càng muốn mua hàng có chất lượng để tạo thêm giá trị cho cuộc sống chứ không phải muốn sở hữu ngày càng nhiều như trước đây. Ví dụ, người ta sẽ không đi nghỉ mát thường xuyên nhưng nếu đi thì sẽ chọn nơi tốt hơn. Người ta không mua ba xe hơi mà sẽ mua ít hơn nhưng là loại xe tốt hơn.

. Ở cửa hàng Hermès tại TP.HCM, món hàng đắt nhất có giá 44.000 USD. Món hàng đắt nhất mà Hermès cung cấp từ trước tới nay là gì?

+Chúng tôi có những cái xắc rất nhỏ làm bằng vàng và kim cương, giá khoảng 2 triệu euro. Nhưng chúng tôi cũng có những món chỉ vài chục euro. Đa phần là dưới 1.000 euro.

. Ông đã đến Việt Nam năm lần, ông nhận thấy khách mua hàng xa xỉ thay đổi như thế nào sau thời gian?

+ Khách hàng trở nên sáng suốt nhiều hơn về chất lượng. Cách nay 10, 15 năm, họ có thể nhảy xổ vào mua ngay chỉ cần nghe tới thương hiệu nhưng nay họ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng. Đó là sự tiến bộ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Người ta cũng đã hiểu nhiều hơn về hàng giả, hàng nhái. Tôi nhớ trong chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Việt Nam cách nay khoảng 15 năm, tôi gặp một quan chức của Bộ Thương mại nói rằng Việt Nam đã sản xuất rất nhiều hàng hóa rồi và được bán ở khắp nơi. Bà khoe chiếc túi làm nhái của một nhãn hiệu đối thủ của chúng tôi và nói “ông xem này, thậm chí chúng tôi còn làm được cả những túi như thế này nữa”. Tất nhiên chuyện này bây giờ không xảy ra nữa, nhất là ở cấp lãnh đạo như vậy.

AN VIÊN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm