TP.HCM: Dịch vụ ăn uống bán mang về trong tháng 9 đạt doanh thu 459 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Cục Thống Kê TP.HCM, trong ba tháng qua tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân và doanh nghiệp (DN).

Đến giữa tháng 9 tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát, thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế theo quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội

Trong tháng 9 ghi nhận về nội thương, từ ngày 16-9, một số nhóm ngành thuộc các loại hình DN, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh như dịch vụ bưu chính, viễn thông; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm…) được mở cửa trở lại.

Hình thức vận chuyển hàng hóa có ứng dụng công nghệ cũng được phép hoạt động liên quận. Theo đó, các đơn vị được mở cửa trong giai đoạn hiện nay phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch nên số lượng các điểm kinh doanh vận hành lại chưa nhiều.

Tuy nhiên, đây là một trong giải pháp và tín hiệu tích cực để tiến tới trạng thái bình thường mới, dần hồi phục nền kinh tế.

Từ ngày 16-9, kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi. ẢNH: TÚ UYÊN

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 (gồm thương nghiệp, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) dự ước đạt 30.982 tỷ đồng, giảm 65,2% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.247 tỷ đồng, giảm 60,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trong tháng 9 học sinh bước vào năm học mới đặc biệt với hình thức học trực tuyến, nhu cầu về thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập cũng tăng cao.

Do đó, các nhóm ngành hàng như vật phẩm văn hóa, giáo dục có doanh thu ước đạt 171 tỷ đồng, tăng 9,6% so với tháng trước; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 2.867 tỷ đồng tăng 4,1%.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước doanh thu bán lẻ hàng hóa của nhiều nhóm hàng giảm sâu đến hơn 90% như gỗ và vật liệu xây dựng…

Trong tháng 9, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 494 tỷ đồng, giảm 93,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động ăn uống chiếm gần 93% doanh thu của nhóm ngành này ước đạt 459 tỷ đồng, tăng 13,9% so với tháng trước.

Theo Cục Thống kê, sau hơn hai tháng tạm ngừng kinh doanh, việc mở cửa các đơn vị kinh doanh ăn uống với hình thức bán hàng trực tuyến. Đồng thời cho phép vận chuyển liên quận giúp giảm thiểu thiệt hại của ngành dịch vụ này, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 9 ước đạt 35 tỷ đồng giảm 93,2% so với tháng cùng kỳ năm trước. Phần lớn các đơn vị lưu trú đang hoạt động hiện nay là phục vụ đội ngũ cán bộ y bác sĩ và tình nguyện viên từ các tỉnh về thành phố phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra một số khách là chuyên gia của các DN đang thực hiện cách ly y tế tại các khách sạn, điểm lưu trú.

Hoạt động du lịch lữ hành dự ước không phát sinh doanh thu trong tháng 9 và đây là tháng thứ tư liên tiếp ngành du lịch tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 11.241 tỷ đồng, giảm 65,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ kinh doanh bất động sản dự ước đạt 7.116 tỷ đồng, tương đương tháng trước và giảm 64,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm