Hàng loạt quán phở, bún bò, hủ tiếu... ở TP.HCM vẫn 'án binh bất động'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-9, Lãnh đạo UBND quận 3 cho biết, đến hôm qua trên địa bàn quận  đã có 20 hộ kinh doanh được niêm yết bảng nhận diện “hộ kinh doanh an toàn”.

Trước đó, quận 3 đã đưa ra tám điều kiện cho các loại hình được phép kinh doanh gồm dịch vụ ăn, uống; cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng; thiết bị dụng cụ học tập được hoạt động phải đáp ứng: có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ hộ kinh doanh và người lao động đã tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine phòng, chống COVID-19

Hộ kinh doanh được dán nhãn hộ kinh doanh an toàn. ẢNH: T.H

Đồng thời phải đảm bảo 5K, hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”;  khuyến khích thanh toán bằng ví điện tử, thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản; chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến, không phục vụ trực tiếp, chỉ bán mang đi.

Chủ hộ kinh doanh và người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời hạn 48 giờ trước khi hoạt động trở lại; đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh hai ngày/ lần trong suốt thời gian hoạt động…

Tại quận 3 hộ kinh doanh nào đáp ứng tám điều kiện hoạt động sẽ được niêm yết bảng nhận diện trước cửa tiệm. 

Thông tin từ quận 11 cũng cho hay, đến hôm qua, trên địa bàn quận vẫn chưa có nhiều hộ kinh doanh ăn uống mở cửa.

Một số hộ kinh doanh cho rằng đang gặp khó khăn do hiện nay shipper chỉ được đi trong một quận, do vậy không thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đối với các hộ kinh doanh ăn uống có đăng kí kinh doanh thì chưa được cấp giấy đi đường nên khó có thể đi mua nguyên liệu về nấu bán.

Mặt khác, việc đặt hàng trong địa bàn một quận không thể nấu hoàn chỉnh một sản phẩm như bán phở, hủ tiếu, cơm...;nếu đặt mối quen ngoài quận thì không ai ship nên không thể mở cửa bán.

Bên cạnh đó, việc cho bán mang về nhưng phải thực hiện ba tại chỗ, nuôi ăn ở cho nhân viên, trả đầy đủ lương, xét nghiệm hai ngày/lần chủ tự chịu phí. Cộng với hàng chỉ được ship trong quận, phí ship cao vì chia % với app công nghệ nên giá trị món hàng bằng cả tiền ship, giống như mua một bị tính tiền gấp đôi, người dân sẽ không mua…

Ghi nhận một số quận như Tân Bình, Phú Nhuận..., cũng cho thấy các tiệm ăn đều chưa mở bán mang đi.

Do khó khăn trong mua nguyên liệu, sợ dịch nên tiệm phở vẫn chưa mở bán. ẢNH: TÚ UYÊN

Bà Lan, chủ tiệm phở trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình cho hay, phường đã xuống hỏi muốn bán lại chưa nhưng bà chưa bán. Lý do người dân chưa được phép ra đường, bán qua shipper trong quận cũng không được bao nhiêu tô.

"Hơn nữa, chợ bà Quẹo chưa mở nên không thể đi mua rau; bánh phở lấy ở Gò Vấp, thịt bò lấy ở quận 6...trong khi mọi người không đi được từ quận này qua quận kia nên rất khó lấy hàng. Do đó, chắc phải chờ qua 15-9 coi tình hình sao mới tính tiếp", bà Lan nói.

Tương tự, một chủ quán phở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận than hiện nay vẫn chưa đầy đủ thủ tục để mở lại.

Nhiều chi phí tăng cao, mở bán không có lời nên tiệm phở này vẫn chưa mở bán. ẢNH: TÚ UYÊN

Không những vậy, giá nhiều mặt hàng như rau tăng gấp đôi, thịt bò cũng tăng cao và mối bây giờ không bán vài kí như trước đây mà phải mua số lượng lớn. Do giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá sản phẩm tăng, khó bán và khó có lời. Ví dụ tô phở 50.000 đồng, tiền ship lên 80.000 đồng/tô có lẻ sẽ ít khách ăn.

Chưa kể bình thường hai, ba giờ sáng bắt đầu dậy làm đến 6 giờ, 7 giờ giờ bán là vừa. Nay nếu mua nguyên liệu như rau, thịt từ shipper 6 giờ sáng mới bắt đầu "chạy" được thì nấu xong bán đã qua giờ ăn sáng.

“Mặt bằng thuê nên tôi cũng rất nóng lòng muốn mở bán lại nhưng tôi tính toán mọi chi phí cảm thấy không có lời nên đành chờ thời gian tới tình hình dịch ổn sẽ mở lại”, chủ tiệm nói.  

Các tiệm bán đồ ăn phải chế biến nhiều nguyên liệu vẫn chưa mở cửa. ẢNH: TÚ UYÊN

Trong khi đó, chủ tiệm bán các món ăn vặt trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận nói nếu mở ra bán cũng không có nhân viên để phụ do mỗi người ở mỗi quận khác nhau.

Một chủ bánh mì quận Tân Bình thì cho rằng giá bánh mì chỉ có 3.000 đồng/ổ. Thông thường có người mua hai ba ổ, nhà nào mua nhiều lắm cho đi 10 ổ là 30.000 đồng. Nếu khách hàng mua ba ổ bánh mì thông qua shipper giá chỉ 10.000 đồng, cộng tiền ship mất 20.000-30.000 đồng, như vậy liệu mở ra bán có ai mua.

Bên cạnh đó, nguyên liệu đang tăng cao, hai ngày phải test một lần làm phát sinh chi phí nên chưa biết làm sao bán lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm