Ngày 24-3, tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2020-2021, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2021 tại Nam bộ.
Thu hoạch lúa ở Cần Thơ. Ảnh: CK
Theo ông Lê Quốc Doanh - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, vụ Đông Xuân 2020-2021 thắng lợi toàn diện, tức đạt năng suất cao, cơ cấu giống tiếp tục được cải thiện và giá gạo xuất khẩu cũng cao. Có được kết quả trên là do sự chỉ đạo, điều hành thống nhất từ trung ương đến địa phương và sự vào cuộc nghiêm túc của người dân.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng cho biết vẫn còn 30% diện tích lúa chưa được thu hoạch nên không được chủ quan, phải đề phòng thời tiết bất thường nên có thể lấy phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Về sản xuất lúa Đông Xuân 2020-2021, báo cáo của Cục Trồng trọt cho thấy, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ là gần 1,6 triệu ha, giảm hơn 29.000 ha. Năng suất ước đạt 70 tạ/ha, tăng 2,14 tạ/ha. Sản lượng ước đạt hơn 11,1 triệu tấn, tăng 145 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân 2019–2020.
Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm hơn 27.000 ha (do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn nên điều chỉnh giảm diện tích ở nhiều tỉnh). Năng suất ước đạt 70,52 tạ/ha, tăng 2,17 tạ/ha. Sản lượng ước đạt hơn 10,7 triệu tấn, tăng 144.000 tấn.
Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch hơn 1 triệu ha (chiếm 62% diện tích xuống giống), đặc biệt không có diện tích nào bị mất trắng do ảnh hưởng hạn, mặn.
Theo đánh giá, tình hình xuống giống vụ Đông Xuân 2020-2021 tại các tỉnh ĐBSCL triển khai thực hiện sớm hơn ở các tỉnh ven biển để né hạn mặn trong mùa khô.
Thời tiết thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít. Thời gian lúa trổ gặp thời tiết tương đối thuận lợi giúp thụ phấn và đậu hạt tốt, có 2-3 cơn mưa trái mùa giúp đủ nước cung cấp cho trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao.
Cũng theo báo cáo, Cục Trồng trọt đề xuất và định hướng cơ cấu giống lúa theo các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL phù hợp theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt còn đưa ra khuyến cáo cụ thể về thời vụ, diện tích gieo trồng ở các vùng cụ thể trong từng vụ Hè Thu, Thu Đông và Mùa 2021 ở ĐBSCL.
Xuất khẩu gạo đạt hơn 6,2 triệu tấn Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2020 đạt hơn 6,2 triệu tấn, trị giá hơn 3,1 tỉ USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt gần 500 USD/tấn, tăng trung bình gần 19 USD/tấn. Dự báo năm 2021 các nước châu Á sẽ duy trì mức độ nhập khẩu tương đương năm 2020 nhưng cũng có thể họ sẽ điều chỉnh chính sách nhập khẩu gạo để phù hợp với tình hình thực tế. Thị trường các nước châu Âu cũng được dự báo sẽ sôi động hơn. |