Vụ sầu riêng chín ép, lái hại nhà vườn: Ethephon không được dùng cho trái cây

Pháp Luật TP.HCM số ra hôm qua (30-5) phản ánh về tình trạng ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang nhiều thương lái cho sầu riêng chín ép bằng cách cắt một loạt hết cả trái non lẫn trái già rồi nhúng vào hóa chất có ethephon làm cho trái chín. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Huân, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết chất ethephon có trong danh mục của Bộ NN&PTNT nhưng chỉ được dùng để kích thích cây cao su ra mủ. Hiện chất ethephon chưa có trong danh mục kích thích sự tăng trưởng của các loại trái cây như sầu riêng, mít, chuối... Do đó việc sử dụng của người trồng và thương lái hoàn toàn tự phát.

cơ quan chức năng làm ngơ

Theo ông Huân, do việc sử dụng lén lút, nhỏ lẻ một vài hộ nên cơ quan bảo vệ thực vật địa phương chưa phát hiện được trường hợp nào. Tuy nhiên, trong lúc này rất cần sự khuyến cáo để người trồng và thương lái không nên sử dụng chất này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, cả ông Nguyễn Văn Tư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang và ông Nguyễn Việt Hoa - Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè đều khẳng định việc thương lái sử dụng hóa chất trong sơ chế trái cây diễn ra từ lâu.

Ông Nguyễn Văn Tư cho biết Hội Nông dân đã biết từ nhiều năm nay và nhiều lần lên tiếng cực lực phản đối, yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vì Hội Nông dân dù có phản đối nhưng chỉ dừng ở mức kiến nghị chứ không có chức năng giải quyết.

Vụ sầu riêng chín ép, lái hại nhà vườn: Ethephon không được dùng cho trái cây ảnh 1

Các cơ quan hữu trách cần có khuyến cáo để người trồng và thương lái không sử dụng hóa chất có ethephone làm cho trái chín. Ảnh: HTD

“Điều kỳ lạ là cho đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào về tác hại của các loại hóa chất này đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hơn nữa, các loại hóa chất này đều được Bộ NN&PTNT cho phép bày bán khắp nơi. Về phía Hội Làm vườn, chúng tôi đã phản ứng chuyện này rất nhiều lần nhưng không thấy ai xử lý” - ông Nguyễn Việt Hoa bức xúc.

Cần quản lý chặt hơn nữa

Theo ông Tư, nếu các cơ quan hữu trách không xử lý đến nơi đến chốn vấn đề này, thiệt hại của nhà vườn ngày càng nặng nề hơn. Hiện nay không riêng gì trái sầu riêng mà xoài, mít, chuối và nhiều loại nông sản khác cũng bị thương lái sử dụng hóa chất ép cho chín sớm, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, vừa làm mất tiếng tăm trái cây, nông sản.

“Không thể chấp nhận chuyện hằng ngày Hội Nông dân hô hào phát động nông dân trồng cây trái sạch bệnh, an toàn nhưng thương lái lại tự do làm cho nông sản mất chất lượng” - ông Nguyễn Văn Tư nhấn mạnh.

Từ đó, ông Nguyễn Việt Hoa đề nghị Bộ NN&PTNT nên quản lý chặt chẽ hơn nữa. Không thể để sử dụng hóa chất vô tội vạ trong sản xuất trái cây như hiện nay.

Khi chúng tôi liên hệ với ông Đỗ Văn Châu - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang để hỏi về việc kiểm tra, xử lý thương lái sử dụng hóa chất ép trái cây chín sớm, ông này từ chối trả lời. Liên hệ với ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, ông này cũng từ chối trả lời.

Viện phản đối, Bộ vẫn cho lưu hành thuốc

Về góc độ chuyên môn, từ lâu Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã nhiều lần phản đối việc thương lái sử dụng hóa chất ép trái cây non chín sớm. Thế nhưng thuốc vẫn được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành, bày bán trên thị trường.

Vấn đề nguy hại nhất trong việc sử dụng hóa chất ép trái cây chín sớm của thương lái chính là họ đang gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng, làm mất danh tiếng nhiều trái cây ngon, chất lượng cao của ĐBSCL khiến người tiêu dùng sẽ quay lưng. Nhưng quan trọng hơn, trong khi nhiều năm nay các tỉnh và nhà vườn đang ra sức xây dựng chất lượng, thương hiệu trái cây đặc sản ĐBSCL để gia tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu thì hành động sử dụng hóa chất làm ăn gian dối của thương lái sẽ làm công sức lâu nay của nhà vườn và các địa phương chuyên canh cây ăn trái đổ sông, đổ biển.

TS NGUYỄN MINH CHÂU,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam

HÙNG ANH - Q.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm