Một điểm đáng chú ý được nêu tại hội nghị là số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị của VKS các cấp ngày càng cao và hiệu quả. Trong năm 2013, về án sơ thẩm, VKS các cấp đã ban hành hơn 1.700 kháng nghị, sáu tháng đầu năm 2014 ban hành 804 kháng nghị; kháng nghị phúc thẩm dân sự chiếm tỉ lệ tăng lên so với án phúc thẩm thụ lý có kháng cáo. Một số vụ tòa cấp phúc thẩm xét xử không chấp nhận kháng nghị của VKS hoặc chấp nhận kháng cáo của đương sự không có căn cứ thì ngay sau phiên tòa, kiểm sát viên (KSV) đã kịp thời tham mưu lãnh đạo báo cáo VKS cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Theo ông Trần Đình Khanh, Vụ trưởng Vụ 5 VKSND Tối cao (kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và các việc khác theo quy định pháp luật), tại phiên tòa sơ thẩm dân sự, hành chính, KSV chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của HĐXX, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng mà không đề xuất quan điểm giải quyết vụ án. Vì vậy, KSV tham gia phiên tòa sơ thẩm ít quan tâm đến quan hệ tranh chấp, nội dung vụ án nên việc tham gia phiên tòa còn nặng hình thức, trách nhiệm chưa cao.
Một hạn chế khác là một số KSV được phân công tham gia phiên tòa đã không nghiên cứu kỹ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, không phát hiện được vi phạm, sai lầm của chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng. Rất nhiều bản án sơ thẩm có vi phạm bị cấp phúc thẩm hủy, sửa nhưng KSV không phát hiện được vi phạm, sai lầm của tòa để báo cáo kháng nghị theo thẩm quyền.
Ông Khanh cũng cho rằng quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2012 (hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự) đã bộc lộ nhiều bất cập.
Chẳng hạn khoản 2 Điều 2 thông tư hướng dẫn ngay sau khi nhận được yêu cầu của VKS, tòa cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho VKS nhưng lại không quy định cụ thể là bao nhiêu ngày. Hay khoản 3 Điều 2 không hướng dẫn cho VKS cùng cấp có quyền yêu cầu tòa cùng cấp chuyển hồ sơ vụ, việc dân sự để nghiên cứu báo cáo VKS cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều này dẫn đến tình trạng tại nhiều địa phương sau xét xử phúc thẩm, quan điểm của tòa không đồng nhất với VKS thì VKS báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lên VKSND Tối cao. Tuy nhiên, do VKS không có hồ sơ vụ án để thẩm định lại nên báo cáo kháng nghị chất lượng chưa cao…
PHAN THƯƠNG