Kỳ án 42 năm: Hiểu đúng về hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra ngày 31-7-1980 do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Con trai của nạn nhân, ông Đỗ Thanh An, đã khiếu nại quyết định này.

Theo ông An, mấy chục năm qua, ông và gia đình đã gửi đơn tố giác và cung cấp địa chỉ của hung thủ nhưng phải đến ngày 11-5-2020, ông mới được mời đến làm việc. Do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận không làm hết trách nhiệm, không ra quyết định truy nã khiến khi bắt được hung thủ vào tháng 11-2021 thì đã hết thời hiệu truy cứu TNHS.

Từ trái qua: Ông Võ Tê (người bị bắt giam oan), ông Võ Ngọc (con ông Tê) và ông Đỗ Thanh An (con của nạn nhân). Ảnh: PHƯƠNG NAM

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm

Hành vi phạm tội giết người và cướp tài sản xảy ra ngày 31-7-1980. Từ năm 1980 đến nay, pháp luật có các BLHS năm 1985, 1999 và hiện nay là 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 45 BLHS năm 1985 quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 15 năm; Điều 23 BLHS năm 1999 quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 20 năm; Điều 27 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định thời hiệu truy cứu TNHS dài nhất là 20 năm.

Do đó, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo thì chúng ta phải lấy thời hiệu truy cứu TNHS là 15 năm theo quy định của BLHS năm 1985 - đây là quy định có lợi nhất cho người phạm tội.

Pháp luật hình sự cũng quy định: “Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ”.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng do chưa có lệnh truy nã đối với ông Lê Minh Sơn (Trương Đình Chi) nên không thể áp dụng quy định này.

Như vậy, thời điểm hết thời hiệu truy cứu TNHS đối với người phạm tội trong vụ án này là 0 giờ ngày 1-8-1995.

Do đó, đến thời điểm bắt được hung thủ là năm 2021 thì thời hiệu truy cứu TNHS đối với người này đã hết.

Không làm oan cũng quan trọng như không bỏ lọt

Đơn tố giác của ông An nếu gửi sau 0 giờ ngày 1-9-1995 thì không có ý nghĩa pháp lý hình sự vì đã hết thời hiệu truy cứu TNHS. Nếu cơ quan điều tra khởi tố bị can khi đã hết thời hiệu truy cứu TNHS thì sẽ phải bồi thường cho người bị tình nghi theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Do đó, việc thận trọng trong việc khởi tố bị can là cần thiết để đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Ngay cả khi có đơn tố giác thì cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và các hoạt động khác để khẳng định: Có người bị tố giác tại địa điểm tố giác hay không? Người bị tố giác có dấu hiệu của tội phạm hay không? Có đủ các điều kiện để khởi tố bị can hay không?

Thực tế, rất nhiều vụ việc cho thấy không phải cứ có đơn tố giác là có dấu hiệu tội phạm. Những vụ ồn ào trên mạng xã hội liên quan đến từ thiện trong thời gian qua là minh chứng cho thấy sự thận trọng và đảm bảo đúng quy định pháp luật của cơ quan điều tra là cần thiết.

Cần lưu ý, trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhiệm vụ không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội quan trọng như nhau.

Không ra lệnh truy nã, đúng hay sai?

Vụ án xảy ra ngày 31-7-1980. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ ra thông báo truy tìm, không ra quyết định truy nã.

Thời điểm này phải áp dụng quy định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành, cụ thể là Sắc luật số 03/SL ngày 15-3-1976.

Cơ quan Công an tỉnh Thuận Hải (cũ) đã áp dụng các quy định pháp luật tại thời điểm đó để xử lý vụ án. Chúng ta không thể lấy các quy định về pháp luật tố tụng hình sự đầy đủ hiện nay để áp vào thời điểm đó.

Mặt khác, tại thời điểm đó, cơ quan công an chưa xác định được ai là hung thủ thì làm sao khởi tố bị can và từ đó ra lệnh truy nã được.

Vụ việc này cho thấy mặc dù dư luận xã hội rất bức xúc vì tội phạm không bị trừng phạt nhưng giữa tình cảm và pháp luật (lý trí) cần phải được phân biệt rạch ròi. Bởi lẽ, pháp luật là giá trị công bằng của xã hội, là cơ sở để đánh giá trách nhiệm, giới hạn của cơ quan và những người liên quan, giữa tội phạm và sự trừng phạt, giữa bức xúc dư luận và giới hạn của nó trong nhà nước pháp quyền.

Hết thời hiệu xử lý tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Sau khi án mạng đối với bà Phan Thị Khanh xảy ra ngày 31-7-1980, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thuận Hải (cũ) đã khởi tố vụ án giết người và cướp tài sản. Tuy nhiên, đến ngày 20-7-1981, cơ quan điều tra vẫn không xác định được bị can. Do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan điều tra tạm kết thúc điều tra vụ án.

Đến ngày 16-11-2021, cơ quan điều tra mới tìm được nghi phạm nên phục hồi điều tra vụ án. Kết quả điều tra xác định Trương Đình Chi (tức Mười Chi, còn có họ tên khác là Trương Đình Khôi và Lê Minh Sơn, sinh năm 1956, trú thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) đã thực hiện hành vi giết và cướp tài sản của bà Khanh.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 27 BLHS 2015 về thời hiệu xử lý đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Chi. Do đó, ngày 5-1-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã có thông báo kết thúc kỳ án giết người, cướp tài sản này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm