Kéo theo đó, hạnh kiểm trong học kỳ 1 của em bị hạ xuống bậc trung bình.“Trường đã căn cứ vào Thông tư 08/1988 của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT) để đề ra các hình thức kỷ luật trên. Trường chỉ có một thiếu sót là đã cho công khai clip xin lỗi của em trêntrang thông tin (fanpage) mang tên trường khiến hình ảnh của em bị phát tán rộng rãi…”. Một hiệu phó của trường đã trả lời báo chí như vậy.
Thầy ấy nói trúng không mà sao dư luận, nhất là nhiều người trong ngành giáo dục phản ứng dữ quá? Đáng lưu ý là từ vụ này cho thấy đang có khá nhiều bức bối pháp lý mà người đứng đầu Bộ GD&ĐT phải khẩn trương xử lý để không làm phát sinh nhiều hậu quả khó lường.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Hiệu Trưởng Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, TP.HCM: "Tôi đã sai và nóng vội nên để clip và hình ảnh của em bị đăng công khai trên mạng xã hội. Nếu được làm lại, tôi sẽ không hành động như thế.". Ảnh: NQ
1. Sử dụng thông tư không còn hiệu lực
Để kỷ luật học sinh có sai phạm, nhiều trường đang sử dụng mỗi Thông tư 08/1988 về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông. Rất ít trường xem xét, áp dụng một thông tư khác cũng của Bộ GD&ĐT có quy định việc kỷ luật học sinh. Ấy là Thông tư 12/2011 (ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT…) mà theo đó cách nhìn nhận, xử lý các trẻ nhỏ vi phạm đỡ cay nghiệt hơn. Các học sinh có thể được khuyên răn chứ không phải là bị xử lý kỷ luật ngay. Cùng với đó, hình thức cảnh cáo trước toàn trường bị bãi bỏ.
Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Chiếu theo điều luật này, dẫu Bộ GD&ĐT không chính thức xác định Thông tư 08/1988 đã hết hiệu lực thì các trường vẫn phải áp dụng Thông tư 12/2011. Còn như làm ngược lại, tức tiếp tục làm theo Thông tư 08/1988 thì có nghĩa là các trường đã làm trái luật.
2. Chưa có quy định để kỷ luật các sai phạm trên mạng xã hội
Với thời gian ban hành, các khuyết điểm được liệt kê và không có lưu ý nào khác, rất dễ dàng nhận ra hai thông tư trên, đặc biệt là Thông tư 08/1988 chỉ điều chỉnh các vi phạm ở ngoài đời.
Trong khi đó, hành vi vi phạm của nam học sinh xảy ra trên mạng xã hội (em đăng trên fanpage tự lập nhiều bài có lời lẽ, hình ảnh rất thô tục, lăng mạ một nhóm nhạc và cộng đồng fan của nhóm nhạc này). Vậy, nếu dùng Thông tư 12/2011 (hoặc Thông tư 08/1988 như cách làm của Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình) để kỷ luật em thì có phù hợp không, có được phép không?
Có thể tham khảo thêm cách làm dành cho người lớn. Muốn xử lý kỷ luật công chức, người lao động… có hành vi sai phạm trên mạng xã hội, các cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào các quy định phù hợp của pháp luật cộng thêm những quy tắc ứng xử trên mạng do cơ quan tự ban hành hay do các tổ chức xã hội nghề nghiệp ban hành. Hoàn toàn không cho phép sự tùy tiện, áp đặt theo ý chủ quan mà phải là pháp luật có quy định thì mới được xử lý, luật quy định sao thì những người có trách nhiệm cần làm y vậy.
Hiện tại, ngành giáo dục chưa có quy định xử lý kỷ luật học sinh có hành vi vi phạm trên không gian mạng. Đây là lý do mà Quyết định 3296/2018 của Bộ GD&ĐT (v/v phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025”) đã yêu cầu có sự “rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về khen thưởng và xử lý kỷ luật học sinh, sinh viêntheo quy định tại Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật khác có liên quan”.
3. Sai với cả quy định cũ
Trở lại vụ Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình để cùng thấy hành xử của nhà trường là quá sai.
Khi kỷ luật nam học sinh trên, không chỉ là áp dụng văn bản không còn hiệu lực mà trường còn làm sai quy định của Thông tư 08/1988. Thay vì chỉ được quyền áp dụng một hình thức kỷ luật trong năm hình thức nêu trong thông tư thì trường đã tự ý bồi thêm một hình thức kỷ luật không hề có trong thông tư. Đó là đã “cảnh cáo trước toàn trường” rồi mà trường lại còn “đình chỉ học bốn buổi”!
Không chỉ vậy, cách thức cảnh cáo cũng bị làm lố. Khi nam học sinh xúc phạm nhóm nhạc ở nước ngoài cùng cộng đồng fan của nhóm nhạc này trên fanpage, lẽ ra cùng với yêu cầu em gỡ bỏ các nội dung bậy bạ, nhà trường có thể tạo điều kiện để em xin lỗi họ cũng trên fanpage. Hoặc nếu cao cả hơn và cũng nhằm nhanh chóng chấm dứt các xung đột thì nhà trường có thể thực hiện trên trang web của trường lời xin lỗi họ thay cho em kèm theo cam kết sẽ tiếp tục dạy dỗ để em không còn sai lầm.
Chọn cách một hay chọn cả hai cách thì tùy lãnh đạo trường, chứ cách mà trường đã làm là hết sức vô nghĩa đối với nhiều phía và có phần bất nhẫn đối với em học sinh, đó là bắt em đọc lời xin lỗi trước ngàn học sinh không có liên quan.
Đã vậy, như xác nhận của thầy hiệu phó, clip xin lỗi đó còn được trường chuyển đến đăng trên fanpage của trường khiến hình ảnh, danh dự của em bị tổn hại nghiêm trọng.
4. Phải nhanh chóng khắc phục
Về chính sách chung, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các trường không dùng Thông tư 08 của 31 năm trước nữa. Song song đó, bộ này cần khẩn trương ban hành quy định mớivề xử lý kỷ luật học sinh như Quyết định 3296/2018 đã đề ra ở trên cho phù hợp với nhiều luật mới (Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng...).
Về vụ việc cụ thể của nam học sinh, theo như các phân tích ở trên, nhà trường cần thu hồi quyết định kỷ luật phạm nhiều lỗi; cho gỡ bỏ clip xin lỗi ở fanpape của trường; có cách xử lý khác đúng đắn hơn, thấu lý, hợp tình hơn.