Cuối năm 2010, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum có quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng gỗ trên đất lâm nghiệp chuyển sang làm đường giao thông đoạn đi qua tiểu khu 95 (huyện Đăk Glei). Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei (gọi là Công ty Đăk Glei) ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Đoàn Kết (gọi là Công ty Đoàn Kết) để khai thác tận dụng số gỗ này.
Hai lần số lượng gỗ bị giảm
Tháng 4-2012, ông Trần Văn Tám, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Linh và ông Nguyễn Xuân Nghĩa (cán bộ kỹ thuật) đã phát hiện tại tiểu khu 95 có nhiều cây gỗ tròn bị hạ chặt và 200 m đường cơ giới bị san ủi. Lãnh đạo Hạt kiểm lâm đã chỉ đạo hai ông và ông Phạm Hồng Kỳ (thanh tra pháp chế) kiểm tra làm rõ.
Qua kiểm tra đã phát hiện 74 cây gỗ (khối lượng hơn 245 m3) bị chặt trái phép nên tổ kiểm tra đã lập biên bản để ông Hà Mạnh Hùng ký với tư cách là đội trưởng đội khai thác Công ty Đoàn Kết. mãi đến tháng 9-2013, Hạt Kiểm lâm KBTTN Ngọc Linh mới lập biên bản vụ khai thác gỗ trái phép và cùng công an, VKS huyện khám nghiệm hiện trường.
Lúc này cơ quan chức năng xác định được số gỗ khai thác trái phép chỉ còn 43 gốc (khối lượng hơn 128 m3). Từ đó Hạt Kiểm lâm KBTTN Ngọc Linh đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Tháng 9-2014, CQĐT, VKSND, Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm KBTTN Ngọc Linh và Công ty Đăk Glei xác minh lại thì lúc này số gỗ lại tiếp tục giảm xuống chỉ còn 23 cây (khối lượng 83 m3). Trong đó gỗ còn lại hiện trường là hơn 33 m3 gỗ tròn, số gỗ đã vận chuyển ra khỏi hiện trường là hơn 50 m3 gỗ tròn.
Tháng 9-2014, Công an huyện Đăk Glei khởi tố vụ án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 285 BLHS 1999. Theo kết luận định giá hơn 50 m3 gỗ tròn là gỗ vật chứng bị mất tại thời điểm tháng 4-2012 tương đương hơn 14 tấn gạo.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: CTV
Không khởi tố bị can vì chưa đủ 15 tấn gạo
CQĐT cho rằng hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy trình công tác của ông Tám và ông Kỳ trong quá trình thực thi nhiệm vụ dẫn đến tang vật của vụ án bị tẩu tán, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả định giá tài sản thì hành vi của hai ông không đủ yếu tố cấu thành tội tại Điều 285 BLHS 1999 nói trên. Bởi hậu quả thiệt hại phải đủ 15 tấn gạo trở lên mới đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cạnh đó CQĐT còn cho rằng việc xác minh, điều tra các đối tượng có liên quan đến hành vi khai thác gỗ trái phép gặp nhiều khó khăn do thời gian xảy ra vụ việc đã lâu (17 tháng). Thông tin cá nhân của số công nhân đội khai thác cùng toàn bộ máy móc, phương tiện đã rời khỏi địa bàn.
Vì thế, tháng 5-2015, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và đình chỉ điều tra cả vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Với vật chứng là hơn 33 m3 gỗ tròn thì đã được vận chuyển về quản lý tại Hạt Kiểm lâm KBTTN Ngọc Linh chờ xử lý.
Điều đáng nói là trước đó, vào tháng 11-2014, ba cơ quan tố tụng của huyện Đăk Glei đã họp liên ngành. Tại đây CQĐT và VKS cho rằng đủ cơ sở để khởi tố ông Tám và ông Kỳ về tội thiếu trách nhiệm. Riêng tòa án thì cho rằng tội này không có cơ sở định khung, tức là không có hướng dẫn cụ thể. Từ đó ba cơ quan thống nhất rằng nếu khởi tố vụ án thì CQĐT cần xin ý kiến thỉnh thị của cấp trên.
Tháng 12-2014, VKSND tỉnh Kon Tum có văn bản trả lời công an tỉnh rằng Công an huyện Đăk Glei khởi tố vụ án về tội thiếu trách nhiệm là có cơ sở. TAND tỉnh này cũng có văn bản khẳng định việc đề xuất khởi tố ông Tám và ông Kỳ là có căn cứ. Bởi hai ông này là người có chức vụ được giao nhiệm vụ đi kiểm tra, xác minh số cây gỗ bị chặt hạ trái phép nhưng vì không thực hiện đầy đủ những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao nên dẫn đến việc số gỗ bị mất.
Tính thiệt hại bằng tiền để xử lý
Cuối tháng 4-2016, TAND Tối cao có Công văn số 111 gửi TAND tỉnh Kon Tum cho rằng Điều 285 BLHS 1999 quy định: “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Được bán vật chứng khi nào? Theo Trung tá Nguyễn Bá Minh, số gỗ còn sót lại tại hiện trường hơn 33 m3 đã được đem bán đấu giá vào cuối năm 2015. Lý do, nếu gỗ để ngoài trời một thời gian rất dài thì chất lượng gỗ bị xuống. “Trong giai đoạn điều tra, CQĐT có quyền xử lý vật chứng, chúng tôi đã chụp ảnh đưa vào hồ sơ vụ án, nếu sau này phục hồi điều tra thì vẫn đủ căn cứ khởi tố bị can” - ông Minh nói. Khi PV hỏi: “Điều 76 BLTTHS 1999 quy định việc xử lý vật chứng do CQĐT quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Nhưng ở đây mới chỉ tạm đình chỉ vụ án về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng?”. Ông Minh đáp: “PV hỏi gì thì tôi trình bày, còn PV chất vấn tôi thì tôi không làm việc nữa”. |
Cho đến nay, liên ngành trung ương và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội trên mà mới chỉ hướng dẫn về tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao đường bộ (Điều 202 BLHS 1999).
Tuy nhiên, tại Điều 360 BLHS 2015 quy định tình tiết định tội đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Vì vậy TAND Tối cao cho rằng theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, nếu thiệt hại là tài sản thì cần xác định gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 BLHS 1999 là gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng là phù hợp.
Sau khi nhận được công văn của Tòa Tối cao, đầu năm 2017, liên ngành công an tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh Kon Tum họp và thống nhất chỉ đạo cấp huyện phục hồi điều tra vụ án thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cấp dưới không làm theo.
Trong vụ này có sự đánh giá khác nhau giữa cơ quan tố tụng về việc quy đổi số gỗ thành gạo hay định giá ra thành tiền để làm cơ sở truy tố bị can. Chúng tôi sẽ phản ánh phân tích của chuyên gia pháp lý về vụ án gây nhiều tranh cãi này trong số tới.
Cơ quan điều tra nói gì? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Nguyễn Bá Minh (Phó Trưởng Công an huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho biết cơ quan này không thể phục hồi điều tra vụ án. Trả lời câu hỏi tại sao không quy khối lượng gỗ bị mất ra tiền mà lại quy ra gạo, Trung tá Minh cho biết nếu số gỗ bị mất là hơn 50 m3 định giá thành tiền thì tương đương 165 triệu đồng. Điều 285 BLHS 1999 là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa quy định như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. CQĐT trưng cầu giám định hơn 50 m3 gỗ tương đương hơn 14 tấn gạo nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trung tá Minh cũng thông tin Tỉnh ủy có giao cho Ban Nội chính theo dõi vụ án, nhiều lần họp để nghe quan điểm của các cơ quan tố tụng. CQĐT thấy rằng Công văn 111 của TAND Tối cao cần phải trao đổi lại. “Thứ nhất, TAND Tối cao viện dẫn Nghị quyết 02 năm 2003 hướng dẫn về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ từ 50 triệu đồng... Thứ hai, BLHS 2015 chưa có hiệu lực nên những cái gì mà bất lợi cho bị can thì không áp dụng” - Trung tá Minh nói. Cũng theo Trung tá Minh, CQĐT và VKS huyện đã thống nhất là tiếp tục làm văn bản thỉnh thị lên cấp trên. Sau đó CQĐT của Bộ Công an có hướng dẫn không thể vận dụng Điều 360 BLHS 2015, bởi hành vi thiếu trách nhiệm xảy ra trước khi BLHS 2015 có hiệu lực. Cho nên không thể lấy Điều 360 BLHS 2015 là gây hậu quả nghiêm trọng 100-500 triệu đồng để áp dụng cho Điều 285 BLHS 1999. |