Hành vi rải đinh trên đường khiến dư luận bức xúc, lo ngại vì ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông.
Mới đây nhất, Công an phường Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã lập hồ sơ xử lý đối với Hồ Như Hưng về hành vi rải vật sắc nhọn trên quốc lộ 51. Tuy nhiên, để xác định tội danh đối với hành vi này còn nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Hai tội danh liên quan
Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM, người có hành vi rải vật sắc nhọn chỉ cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261 BLHS 2015) khi gây ra một trong những hậu quả: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Như vậy, nếu gây ra các thiệt hại dưới mức quy định trên thì không phạm tội cản trở giao thông đường bộ mà chỉ bị xử lý hành chính.
Tuy nhiên, hành vi rải vật sắc nhọn của người sửa xe máy để khi xe máy cán trúng, thủng vỏ phải vá, thay ruột xe còn có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS 2015). Điểm khác nhau khi xử lý hành vi để vật sắc nhọn trên đường giao thông là xác định lỗi của người rải vật sắc nhọn đó đối với thiệt hại xảy ra.
“Đối với tội cản trở giao thông đường bộ thì lỗi của người để vật sắc nhọn đối với hậu quả là vô ý, còn đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì lỗi là cố ý. Do đó, tội hủy hoại tài sản có mức độ nguy hiểm hơn, điều này cũng được thể hiện ở mức hình phạt cao nhất của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là 20 năm tù, còn tội cản trở giao thông đường bộ là 10 năm tù” - TS Phan Anh Tuấn bình luận.
Một nạn nhân cán trúng đinh hình tam giác trên quốc lộ 51 (xã Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) hồi tháng 1-2019. Ảnh: VŨ HỘI
Khó kết tội cản trở giao thông đường bộ
Theo luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM), trước đây Điều 203 BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009 không xác định hành vi “đặt, để,... vật sắc nhọn... gây cản trở giao thông đường bộ” là tội phạm nên cơ quan chức năng đã nhìn vào hậu quả để xử tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. BLHS 2015 đã bổ sung hành vi “đặt, để,... vật sắc nhọn... gây cản trở giao thông đường bộ” vào tội cản trở giao thông đường bộ như một hình thức nhằm xử lý hành vi rải đinh. Tuy nhiên, điều này là không phù hợp, bất cập về mặt lý luận, động cơ, mục đích phạm tội và không khả thi.
Bởi lẽ đặc trưng của tội cản trở giao thông đường bộ là lỗi vô ý, họ không mong muốn hậu quả xảy ra. Ví dụ, dựng rạp đám cưới lấn ra đường khiến người tham gia giao thông bị tai nạn, việc người tham gia giao thông bị té, tài sản bị hư hỏng là nằm ngoài ý muốn của họ. Trong khi đó, hành vi rải đinh lại có lỗi cố ý trực tiếp, có mục đích rõ ràng nhằm gây hư hỏng tài sản cho người tham gia giao thông để trục lợi.
Trong trường hợp của ông Hưng, muốn truy tố ông Hưng về tội cản trở giao thông đường bộ thì phải chứng minh được hành vi rải đinh của ông Hưng rơi vào một trong các trường hợp sau: Làm chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.
“Giả sử như hành vi rải đinh chưa gây ra hậu quả chết người hoặc bị tổn hại sức khỏe từ 61% trở lên thì CQĐT phải truy tìm được vài ngàn người có xe bị đinh cán (nếu mỗi xe bị đinh cán thiệt hại trung bình 30.000 đồng thì để xác định thiệt hại 100 triệu đồng phải truy tìm hơn 3.300 người bị cán đinh). Sau đó, CQĐT còn phải chứng minh được đinh đó ở đoạn đường đó, trong thời gian đó là của ông Hưng rải, điều này gần như bất khả thi” - luật sư Phạm Tuấn Anh nói.
Mức xử phạt hành chính Luật sư Lê Xuân Thụ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết nếu không xử hình sự Hưng được thì hành vi của Hưng có thể bị xử lý hành chính theo khoản 6 Điều 11 Nghị định 46/2016. Cụ thể, hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ bị phạt 6-8 triệu đồng. |
Tội cố ý làm hư hỏng tài sản khá rõ
Theo TS Phan Anh Tuấn, hành vi rải đinh trên quốc lộ 51 của Hồ Như Hưng cho thấy đây là hành vi cố ý và Hưng thực hiện là để khi xe máy cán trúng, thủng vỏ phải vá, thay ruột xe. Tức là khi rải vật sắc nhọn, Hưng mong muốn các xe bị thủng ruột (cố ý), do đó hành vi của Hưng là hành vi hủy hoại tài sản.
Tuy nhiên, để xử lý hình sự Hưng về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì các cơ quan chức năng phải chứng minh hành vi của Hưng có đủ dấu hiệu của tội này hay không. Cụ thể, hành vi của Hưng phải làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Được biết ban đầu Hưng khai khi xe máy cán trúng, thủng vỏ và đến tiệm sửa xe của Hưng để vá thì Hưng lấy giá 10.000 đồng/ lần và 70.000 đồng thay ruột mới. Hưng cũng thừa nhận đã thực hiện rải đinh hơn 10 lần. Theo PLO, nếu CQĐT không chứng minh được Hưng đã gây thiệt hại cho người bị hại từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi của Hưng cũng đã thuộc trường hợp điểm c như đã viện dẫn ở trên (gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội). Vì vậy, hành vi của Hưng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Ba vụ rải đinh bị xử hình sự Ngày 11-1-2011, TAND thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương đã tuyên phạt Nguyễn Văn Công (20 tuổi) 24 tháng tù (giam) về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo hồ sơ, Công đã dùng kéo cắt các miếng sắt mỏng tạo thành các miếng sắt nhọn hình tam giác rồi rải trên đường với mục đích làm hỏng ruột xe của người đi đường. Trong một tháng, Công đã rải đinh khoảng 10 lần. Mỗi ngày Công trực tiếp thay ruột xe cho khách với giá 45.000-50.000 đồng/ruột xe. Tương tự, ngày 17-1-2011, TAND thị xã Thủ Dầu Một cũng đã xử Lê Xuân Trọng (27 tuổi), Lê Văn Khôi (20 tuổi), Lê Xuân Chính (24 tuổi) và Phạm Tuấn Anh (19 tuổi) về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. HĐXX tuyên phạt Trọng 30 tháng tù, Chính 24 tháng, Khôi và Anh mỗi người 18 tháng tù. Các bị cáo này cũng làm ra những miếng thép hình tam giác rải trên đường để bẫy người đi xe máy đặng có khách vá xe, thay ruột. Ngày 21-7-2011, TAND huyện Bến Cát, Bình Dương cũng từng xử Phạm Văn Cảnh (33 tuổi) và vợ là Bùi Thị Nga (30 tuổi, ngụ Nga Sơn, Thanh Hóa) về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. HĐXX đã tuyên phạt Cảnh 22 tháng tù, Nga 12 tháng tù và cấm hai vợ chồng hành nghề sửa xe trong ba năm. Ngoài việc rải đinh để vá xe, thay ruột với giá “cắt cổ”, Cảnh còn cố ý làm chập điện gây cháy IC (bộ phận đánh lửa của xe máy) để buộc nạn nhân phải thay IC… |