Đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM vừa thông tin về thực trạng quảng cáo dịch vụ giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế IAA trên mạng xã hội với hứa hẹn có giá trị sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Theo PC08, trừ GPLX IDP, các loại GPLX quốc tế khác (bao gồm GPLX quốc tế IAA) sẽ không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam.
Theo quy định tại Thông tư 29/2015 của Bộ GTVT, GPLX quốc tế cũng có giá trị sử dụng không quá ba năm. Ảnh: TN |
Để thông tin rõ về vấn đề này, ông Ngô Đình Quang, Trưởng Phòng quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, cho biết về việc này Bộ GTVT đã ban hành một số thông tư hướng dẫn việc cấp, đổi GPLX cho người Việt Nam sử dụng tại nước ngoài và người nước ngoài sử dụng GPLX tại Việt Nam.
Theo đó, Thông tư 29/2015 quy định các quốc gia là thành viên của Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Viên) về việc cấp, sử dụng GPLX quốc tế. Cụ thể, hai cơ quan đủ thẩm quyền cấp và quản lý GPLX quốc tế bao gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các tỉnh, TP.
Trình tự, thủ tục cấp, đổi được quy định rõ tại Điều 8 trong thông tư này. Cụ thể, người lái xe có nhu cầu cấp, đổi GPLX quốc tế phải nộp hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ như sau: Đơn đề nghị cấp GPLX quốc tế theo mẫu quy định (khi nộp đơn phải xuất trình bản chính GPLX quốc gia do Việt Nam cấp); bản sao chụp GPLX, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị sử dụng; một ảnh màu cỡ 3x4 cm nền màu trắng. Thời gian giải quyết là năm ngày làm việc và với lệ phí 135.000 đồng.
Tại Điều 8 của thông tư cũng nêu rõ các trường hợp không được cấp GPLX quốc tế như: GPLX quốc gia có biểu hiện tẩy, xóa, hư hỏng không còn đủ các thông tin cần thiết hoặc có sự khác biệt về nhận dạng, hoặc GPLX quốc gia không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định. Trường hợp mất hoặc hư hỏng, cá nhân có nhu cầu làm đơn đề nghị cấp lại.
Theo quy định của Bộ GTVT, GPLX quốc tế có giá trị sử dụng không quá ba năm và phải phù hợp với thời hạn mà GPLX của quốc gia sở tại cấp.
“Đối với người nước ngoài thuộc các nước không là thành viên của Công ước Viên, việc được cấp, đổi GPLX tại Việt Nam được quy định tại Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT”- ông Quang cho hay.
Ông Quang cũng cho biết thêm, ngoài việc người nước ngoài nộp hồ sơ có đơn theo mẫu, điều kiện để cấp, đổi GPLX cho người nước ngoài thì người đó phải thường trú hoặc tạm trú từ ba tháng trở lên, đồng thời kèm theo một số giấy tờ chứng minh của cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.
Đã có 73 nước tham gia Công ước Viên
GPLX quốc tế được thực hiện theo Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Viên).
Theo đó, các nước tham gia Công ước Viên công nhận một số điểm cơ bản về giao thông đường bộ chung để sử dụng GPLX do các nước cấp, nhằm giúp người điều khiển phương tiện giao thông tham gia lưu thông tại các nước. Hiện nay đã có 73 quốc gia công nhận và ký kết Công ước Viên này.