Đường thông minh có thể gọi cứu thương

Con đường sẽ là “người báo tin”

Một start-up công nghệ có tên Integrated Roadways tại Kansas City (tiểu bang Missouri, Mỹ) đang ấp ủ một ý tưởng táo bạo với những con đường. Theo tờ Kansas City Star cho biết start-up Integrated Roadways đang ấp ủ tham vọng biến những con đường trở nên thông minh, an toàn và đa năng hơn nhờ công nghệ thông minh.

Cấu tạo của đường thông minh

Nhóm dự định sẽ thay thế nhựa đường bằng các lớp bê tông đặc biệt giúp biến một con đường bình thường trở nên thông minh. Con đường sẽ có khả năng phát hiện xe và vị trí của xe trong thời gian thực.

Khi nắm được vị trí và tốc độ của xe, đường thông minh có thể trở thành "người báo tin" rất hiệu quả trong trường hợp xảy ra tai nạn. Điều này hạn chế những hậu quả đáng tiếc trong trường hợp xảy ra ở những khu vực hẻo lánh, không thể liên hệ người trợ giúp. Bên cạnh đó, đường thông minh còn giúp thu thập dữ liệu thời gian thực về điều kiện đường sá, tắc đường. Nhờ đó, các tài xế có thể nắm được tuyến đường nào dễ di chuyển và an toàn nhất cho mình.

Cùng với đó, start-up này không cần phải xây dựng thêm cơ sở hạ tầng truyền dẫn. Hệ thống đường thông minh sẽ trở thành xương sống của mạng 5G - một chuẩn kết nối không dây thế hệ mới cực nhanh.

Vẫn nhiều lo ngại

Tuy vậy, giới công nghệ còn nhiều hoài nghi về tính thực tiễn của một con đường thông minh này. Trong tương lai, khi xe tự lái sẽ trở thành xu hướng công nghệ chính, liệu rằng đường thông minh có thực sự cần thiết khi xe tự lái hoàn toàn có thể tự xác định hướng di chuyển và tránh chướng ngại vật?

Con đường có thật sự cần thiết?

Bên cạnh đó, vấn đề giới công nghệ lo ngại hơn cả chính là dữ liệu. Liệu ai sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu thu thập về xe di chuyển trên đường? Hoặc đường thông minh sẽ thu thập những dữ liệu như thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm nếu dữ liệu đường đi của xe bị lộ? Tài xế có phải chấp nhận các điều khoản và điều kiện trước khi đi vào những con đường cao tốc thông minh hay không? Bên cạnh đó, nhiều người vẫn thắc mắc về các khoản phí. Tài xế khi đi qua đây có phải mất phí cầu, đường?

Vấn đề dữ liệu sẽ như thế nào?

Trả lời cho câu hỏi trên, Tim Sylvester, sáng lập Integrated Roadways, khẳng định đường thông minh sẽ không thu thập dữ liệu cá nhân. Sylvester giải thích: "Thay vì nói đây là chiếc Lexus của John Smith, chúng tôi chỉ biết đó là một chiếc Lexus mà thôi".

Trong đoạn video giới thiệu về ý tưởng đường thông minh, Integrated Roadways có nhắc đến việc bằng cách bán dữ liệu cho bên thứ ba để kiếm tiền từ quảng cáo và dịch vụ khác, nhóm sẽ kiếm nguồn tài chính duy trì con đường.

Integrated Roadways hiện đang làm việc với Sở GTVT Colorado, Mỹ về kế hoạch triển khai đường thông minh trong tương lai mặc dù hiện tại đây mới chỉ là ý tưởng trên giấy.

 

Trước đó, đường Bird Street, Anh đã trở thành con đường thông minh đầu tiên trên thế giới có khả năng tạo ra điện và làm sạch không khí. Các viên gạch trên đường có thể chuyển đổi động năng từ bước chân của người đi đường thành điện năng và được sử dụng để thắp sáng đèn đường, loa phát thanh, máy phát bluetooth. Trong khi đó phía cuối con đường thông minh này được lắp đặt chiếc ghế có tên ClearAir có thể lọc các khí độc hại như nitrogen dioxide và các hạt bụi, từ đó mang lại bầu không khí trong sạch cho người đi đường.

Đọc thêm