Chiều 6-9, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam (VN)” (1987-2022).
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh trao tặng sách cho Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. Ảnh: TTXVN |
Lễ kỷ niệm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ: Nghị quyết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh “là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân VN, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội”, “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận xét việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc VN quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới.
Người không chỉ là “Anh hùng giải phóng dân tộc”, đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do, đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, mà còn là “Nhà văn hóa kiệt xuất”, là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết. Như một số chuyên gia từng nhận xét: Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Hay “chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó”.
Tại lễ kỷ niệm, bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc Tổ chức UNESCO, cho biết vào năm 1987, Tổ chức UNESCO mới có 155 thành viên nhưng nay đã là 193 thành viên. Ở thời điểm đó, UNESCO xét quyết định vinh danh hai lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) với những giá trị trường tồn của di sản mà hai danh nhân này để lại cho thế giới.
Theo bà Audrey Azoulay, di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân. Hiện nay, việc kế thừa di sản tốt đẹp này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và VN, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Audrey Azoulay khẳng định cam kết UNESCO sẽ tích cực hơn nữa trong hợp tác với VN thời gian tới.