Dưới đây là những chia sẻ chân tình, cởi mở của ông - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Đức Chính. Ảnh: HUỲNH TRÍ DŨNG
Sự nghiệp của tôi có thể chia làm ba giai đoạn lớn: Giảng dạy - đào tạo, lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM và đảm nhận cương vị thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Trong suốt quá trình công tác, tôi có 15 năm gắn bó tại Sở Tư pháp TP.HCM với bảy năm đảm nhiệm vị trí phó giám đốc sở và tám năm là giám đốc.
Năm 1994, tôi nhận quyết định điều chuyển về công tác tại Sở Tư pháp TP. Lúc nhận nhiệm vụ mới, tôi thấy nhiều cái khó. Ngày tôi về, sở đang trong giai đoạn mới thành lập nên thiếu trang thiết bị, hạ tầng, đặc biệt là nhân lực.
Chuyển từ công tác giảng dạy - đào tạo sang lãnh đạo tư pháp địa phương nên kinh nghiệm của tôi còn ít ỏi. Lĩnh vực tư pháp tại TP khi ấy cũng còn nhiều phức tạp của thời kinh tế tập trung bao cấp.
Hơn một năm sau, thi hành án dân sự tách từ tòa án sang Bộ Tư pháp. Lực lượng thi hành án tại TP lại “cháy” người. Thế là tôi kiêm luôn phụ trách trưởng Phòng Thi hành án.
Trong một năm kiêm nhiệm, tôi tổ chức lại Phòng Thi hành án, xây dựng lực lượng chấp hành viên và tìm được người giữ chức trưởng phòng thay thế nên tôi chuyên tâm nhiều hơn để phát triển Sở Tư pháp. Suốt quá trình công tác, tôi cùng các anh em trong sở đã vượt qua thời gian đầu non trẻ, tiến đến xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp lớn mạnh, có trình độ chuyên môn. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng định hình được các mảng công tác rất rõ ràng, từ tư vấn văn bản cho UBND TP đến bổ trợ tư pháp, công chứng…
Năm 2000, giám đốc Sở Tư pháp lúc bấy giờ là anh Võ Văn Thôn nghỉ hưu, tôi được tập thể tín nhiệm, UBND TP tin tưởng bổ nhiệm làm giám đốc sở. Đây là thời gian tôi cùng những đồng nghiệp tiếp tục xây dựng nơi đây vững mạnh hơn về đội ngũ cán bộ lẫn xây dựng trụ sở mới.
Đến năm 2008, tôi được điều chuyển về Bộ Tư pháp, lúc ấy đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP, có phát biểu tại trụ sở Sở Tư Pháp rằng: “Sở Tư pháp đã thành chỗ dựa pháp lý cho lãnh đạo Thành ủy, lãnh đạo UBND TP; xây dựng, quy hoạch được đội ngũ cán bộ pháp lý rất lớn mạnh cho TP”.
Ngành tư pháp sẽ ngày càng phát triển khi xu hướng chung của cả nước là xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó có vai trò của ngành tư pháp.
TP.HCM là trung tâm văn hóa, kinh tế - xã hội lớn của cả nước thì Sở Tư pháp lại càng giữ vai trò quan trọng. Xu hướng tiến bộ, người dân càng đề cao về pháp luật.
Đối với UBND TP, Sở Tư pháp có vị trí tham mưu pháp luật rất lớn, hầu hết các vụ việc quan trọng của TP đều cần sự tư vấn, “gác cửa” của sở.
Điểm nhấn đặc biệt nổi bật là Sở Tư pháp đã đào tạo và đưa các cán bộ của sở về công tác tại các quận, huyện, sở, ngành khác và giữ nhiều vị trí chủ chốt. Điều đó càng chứng tỏ sự lớn mạnh của sở. Đối với người dân, ngành tư pháp giữ vị trí quan trọng trong đời sống pháp lý. Công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp đã được số hóa rất mạnh mẽ tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tạo tiền đề tốt để phát triển kinh tế của TP.
Ngành tư pháp sẽ phát triển vững mạnh!
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sở Tư pháp TP.HCM, tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành Tư pháp.
Chúc các đồng chí cán bộ hưu trí có cuộc sống khỏe mạnh, an lành. Các đồng chí đang làm nhiệm vụ ngày càng phát huy truyền thống của ngành tư pháp, có nhiều sáng kiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng thành phố lớn mạnh.
Tôi chia sẻ cùng các công chức, viên chức, người lao động của ngành đang chịu nhiều áp lực khi hai năm liền vừa phải tham gia chống dịch COVID-19, vừa phải làm tròn công tác chuyên môn và cả những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng mọi khó khăn chỉ là nhất thời, tôi tin vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của ngành tư pháp!
Nguyễn Đức Chính (Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) |