Kỷ niệm trọng thể 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại ý nghĩa lịch sử và thời đại của cuộc cách mạng XHCN do Đảng Cộng sản Bonshevik Nga đã “làm rung chuyển thế giới”, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới.

Cách mạng Tháng Mười Nga và thắng lợi của Cách mạng Việt Nam

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô-viết do Lênin sáng lập đã làm thay đổi căn bản số phận dân tộc Nga, đưa nước Nga từ phong kiến, tư bản lạc hậu, nghèo đó thành cường quốc kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục hàng đầu thế giới. Cùng với đó đã tiếp sức cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cổ vũ ra đời nhiều đảng vô sản. Đã tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc; đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc thuộc địa bị áp bức và các nước phụ thuộc vùng dậy đấu tranh vì độc lập tự do, đem lại niềm tin và niềm hy vọng về khả năng tự giải phóng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: NHƯ Ý 

Riêng với Việt Nam, Tổng Bí thư khẳng định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta đều gắn với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1920 khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, đã nói to lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Tham gia phong trào cộng sản quốc tế, Người đã cử nhiều thanh niên cách mạng Việt Nam sang học tập tại Liên Xô và nhiều người sau này trở thành Tổng bí thư của Đảng ta.

Những người cộng sản Liên Xô đã lãnh đạo cuộc chiến tranh chống phát xít đi đến thắng lợi vĩ đại, tạo điều kiện khách quan thuận lợi để những người cộng sản Việt Nam thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, mở ra kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc và CNXN ở Việt Nam.

Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết, Tổng bí thư nhắc lại những ủng hộ lớn lao của Liên-xô trong thời kỳ nước ta tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong xây dựng đất nước.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta đều gắn với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: NHƯ Ý 

Khi điểm lại sự gắn bó mật thiết và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười cùng mối tình Việt - Xô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ nỗi đau xót, bàng hoàng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam trước “biến cố đầy bi kịch” xảy ra ở Liên Xô vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Để tránh rơi vào những sai lầm đã làm Liên Xô đổ vỡ, Tổng Bí thư cho rằng cần tỉnh táo nhận diện những nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có “nguyên nhân sâu xa” là quá trình xây dựng CNXH ở Liên Xô đã có những khuyết điểm, sai lầm chậm được phát hiện và khắc phục. Trong các nguyên nhân ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1991 đã nhận định là có những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình xây dựng xã hội mới cùng với việc xa rời các nguyên lý cơ ban của chủ nghĩa Mác - Lênin của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên-xô thời điểm đó.

“Đặc biệt, có hai nguyên nhân cơ bản và trực tiếp liên quan chặt chẽ với nhau: Một là, những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, về công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ trong quá trình cải tổ; và hai là, các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", tìm mọi cách tác động làm chệch hướng công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô, lợi dụng những sai lầm bên trong để thực hiện mục tiêu xóa bỏ chế độ XHCN” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Năm nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung 

Từ “biến cố đầy bi kịch” ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, nhìn lại 30 năm đổi mới ở Việt Nam, Tổng Bí thư đánh giá đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng với những bài học kinh nghiệm đắt giá từ thành công và cả những thất bại của CNXH hiện thực trong gần một thế kỷ qua, ông yêu cầu cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhằm tiếp tục làm sáng rõ những quy luật, nguyên lý phát triển phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Tổng Bí thư lưu ý những quan điểm, đường lối cơ bản đã nêu trong Cương lĩnh của Đảng cũng như những nhiệm vụ trọng tâm mà các kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội XII gần đây đã chi ra, cần tập trung quán triệt, thực hiện thắng lợi. Cụ thể:


Các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh: NHƯ Ý 

Thứ nhất, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đổi mới tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình", phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước. Mở rộng và phát triển chiều sâu trong các quan hệ đối ngoại; sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ tư, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Kết thúc bài diễn văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với quyết tâm mới, khí thế mới, sức sống mới, với niềm tin son sắt vào sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc, vào tương lai tươi sáng của đất nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới