Những cải tiến phương án xét tốt nghiệp THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH - CĐ chưa bao giờ có hồi kết. Mỗi năm quy chế thi lại có thêm nhiều điểm mới.
Theo ý kiến của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết kỳ thi chung “2 trong 1” đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội. Tuy nhiên việc Bộ GD&ĐT cho rằng "giảm tải" thực chất chỉ là giảm số buổi dự thi, nhưng lại tăng số môn thi trong một buổi thi của bài thi tổ hợp.
Trước đây đề thi riêng môn Lý, Hóa, Sinh với thời gian làm bài là 90 phút cho 50 câu trắc nghiệm, thì nay Bộ GD&ĐT gom "3 môn trong 1 buổi thi", với thời lượng mỗi môn là 50 phút cho 40 câu trắc nghiệm. Không thể nói là giảm áp lực, bởi cách thi này làm vắt kiệt sức của thí sinh khi phải gồng mình làm bài liên tục, gây tâm lý không ổn định cho thí sinh thi môn tiếp theo trong bài thi tổ hợp.
Một điểm đặc biệt của năm nay, ngay sau khi công bố điểm thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT đã công bố phân tích phổ điểm tổ hợp các môn thi xét tuyển đại học 2019 theo các khối thi truyền thống A, B, C, D, A1, và C01. Điều này không thấy ở hai năm trước và cũng như không hề thấy Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm bài thi tổ hợp KHTN (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và bài thi tổ hợp KHXH (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Lúc tổ chức thi thì gom "3 vào 1" mà khi xét tuyển lại "xé lẻ" từng môn để ghép lại thành tổ hợp mới. Vậy có cần thiết duy trì kiểu tích hợp, tổ hợp nửa vời này không?
Hệ lụy học lệch
Câu chuyện của em Vũ Đức Anh, chàng thủ khoa khối A toàn quốc với số điểm "khủng" là Toán: 9,8; Vật lý: 9,25 và Hoá học: 10, nhưng lại suýt trượt tốt nghiệp vì điểm Tiếng Anh chỉ được 1.4, đang là đề tài hot của cư dân mạng.
Đó là hồi chuông cảnh báo cho phương thức thi cử hiện nay.
Việc cho phép chọn bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH càng tạo điều kiện cho học sinh "bỏ môn" mình không thích, mà chỉ tập trung vào 3 môn xét tuyển Đại học. Hệ lụy sẽ rất lớn nếu học sinh xác định chỉ học đúng 3 môn cho suốt 3 năm phổ thông trung học. Ngay cả môn thi nằm trong bài thi tổ hợp, dù có bắt buộc nhưng không dùng xét tuyển Đại học, thì học sinh cũng chỉ "học đủ giờ, thi đủ điểm" để "chống liệt". Nó đã làm "phá sản" ý đồ của Bộ GD&ĐT gom 3 môn thi vào 1 tổ hợp.
Còn lo ngại tiêu cực tức là còn tiêu cực
Về kỳ thi chung “2 trong 1”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, ban đầu có ý kiến đề xuất vẫn tổ chức thi nhưng thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương tổ chức, thi ĐH, CĐ giao cho các trường ĐH, CĐ tổ chức.
Phương án này cũng được cân nhắc nhiều, tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì với bệnh thành tích, kết quả thi sẽ không công bằng khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó, địa phương này coi lỏng, địa phương khác coi chặt.
Còn để các trường ĐH, CĐ tự tổ chức thi thì Bộ đã khuyến khích nhưng thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí, hơn nữa tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại.
Ông Nhạ cho biết thêm Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ GD&ĐT việc bỏ thi THPT quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Trong khi thực tế hiện nay có rất nhiều trường ĐH, CĐ đưa ra phương án xét tuyển, thi đánh giá năng lực thực hiện trước kỳ thi THPT quốc gia.
Do vậy lý do tổ chức thi tốn kém, tình trạng dạy thêm, học thêm càng không phải là nguyên nhân chính để Bộ GD&ĐT cứ mãi đứng ra tổ chức kỳ thi tuyển sinh thay cho các trường ĐH, CĐ.
Đánh giá được gì sau mùa tuyển sinh?
Mục tiêu của kỳ thi THPT Quốc gia "2 trong 1" nhằm tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng, bảo đảm kỳ thi thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương.
Tuy nhiên hiệu quả đem lại thì chỉ có 1 mà hậu quả để lại thì đến 10.
Như đã nói, việc chọn bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH đang "bật đèn xanh" cho học sinh học lệch, gây khó khăn trong công tác điều hành của nhà trường.
Không phân ban từ đầu cấp nhưng lại tách khối lúc cuối cấp là một sự bất nhất trong định hướng giáo dục. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHTN, KHXH của các địa phương không đồng đều. Do vậy, không đủ cơ sở để đánh giá được chất lượng giáo dục của từng địa phương.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2019 đạt 94,06% nói lên được điều gì với lãnh đạo ngành giáo dục, ngoài những nhận định là giảm so với năm 2018, phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng, miền…
Thay đổi giáo dục không chỉ mỗi năm thay đổi hình thức tổ chức thi để sàng lọc, mà cốt lõi của vấn đề giáo dục là tạo môi trường thuận lợi cho tất cả người học đều có cơ hội phát triển để phát huy năng lực bản thân.