Kỹ thuật bản địa đã chặn cháy rừng, cứu cộng đồng dân cư thế nào?

(PLO)- Nhờ biện pháp phòng cháy dựa trên các hoạt động lâm nghiệp của người bản địa, hậu quả một số vụ cháy rừng ở Canada đã được giảm thiểu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào tháng 8-2021, một vụ cháy rừng lan rộng tại thành phố West Kelowna, tỉnh bang Bristish Columbia (Canada) trong 19 ngày. Đám cháy này thiêu rụi 976 ha rừng.

Ngọn lửa lan rộng ra vùng ngoại ô thành phố West Kelowna. Tại đây, nó gặp phải khu vực phòng cháy của cộng đồng dân cư địa phương và không thể tiếp tục duy trì sức cháy. Tại khu vực này, chỉ có 1 căn nhà bị cháy rừng phá hủy.

Cháy rừng ở West Kelowna, British Columbia (Canada) hồi tháng 8. Ảnh: CBC

Cháy rừng ở West Kelowna, British Columbia (Canada) hồi tháng 8. Ảnh: CBC

Khu vực phòng cháy được tạo lập dựa trên các hoạt động lâm nghiệp của người bản địa Canada. Đây là khu vực được dọn sạch cẩn thận để loại bỏ vật liệu bắt lửa và giảm thiểu sự lây lan của ngọn lửa.

Bài học lớn

Thành công trong việc ngăn đám cháy lan rộng vào tháng 8-2021 đã trở thành bài học quý giá: Một khu vực phòng cháy được xây dựng, bố trí tốt trong điều kiện thích hợp có thể cứu được nhà cửa và cả mạng sống con người.

Theo tờ The New York Times, đây là bài học không chỉ đúng cho West Kelowna mà còn cho nhiều địa điểm ở Canada hiện nay. Nó cũng có thể áp dụng cho những nơi có nguy cơ cháy rừng cao, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

“Mùa cháy rừng đã đến, nếu chúng ta đầu tư nhiều hơn vào biện pháp chủ động thì chúng ta sẽ ít phải triển khai các biện pháp ứng phó cháy rừng. Có thể trong 10, 20 năm, chúng ta sẽ không thấy tác dụng của các biện pháp chủ động này, nhưng sẽ có lúc chúng ta cần nó”- bà Kira Hoffman, một nhà nghiên cứu cháy rừng tại ĐH British Columbia, nhận định.

Cháy rừng là một phần thiết yếu trong chu kỳ tự nhiên của rừng, nhưng trong những năm gần đây, nhiều đám cháy rừng đã bùng phát lớn đến mức gần như không thể ngăn chặn.

Một thân cây bị cháy xém trong vụ cháy rừng ở thành phố West Kelowna, British Columbia (Canada). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một thân cây bị cháy xém trong vụ cháy rừng ở thành phố West Kelowna, British Columbia (Canada). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Việc thành lập các khu vực phòng cháy này đang được nhiều vùng của Canada quan tâm. Ở các nơi có cộng đồng người bản địa sinh sống, sự quan tâm này được nhân lên gấp bội, vì những nơi này thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các vụ cháy rừng.

Năm nay, cháy rừng ở Canada khốc liệt hơn những năm trước. Tính đến thời điểm này, diện tích đất bị cháy rừng ảnh hưởng ở Canada năm nay nhiều gấp 10 lần so với toàn bộ mùa cháy năm 2022. Khói từ các đám cháy đôi khi bay đến phía nam Georgia (đông nam nước Mỹ) và tới tận châu Âu.

Vụ cháy hiện tại ở thành phố West Kelowna, tỉnh bang British Columbia đã lan sang các vùng thiếu khu vực phòng cháy, thiêu rụi 110 tòa nhà và khiến khoảng 30.000 người phải sơ tán. Tại vùng có khu vực phòng cháy, đám cháy phần nào được kiểm soát.

Hiệu quả và khó khăn

Công ty khai thác gỗ Ntityix Development chịu trách nhiệm tạo khu vực phòng cháy ở thành phố West Kelowna. Công ty này đã tạo ra khu vực phòng cháy bằng cách tỉa thưa rừng, dọn dẹp các mảnh gỗ vụn trong rừng và đốt thảm thực vật trên nền rừng một cách có kiểm soát để ngăn nó trở thành vật liệu bắt lửa.

Do có đốt thảm thực vật trên nền rừng, nên Ntityix Development thường chọn thời điểm ít có khả năng cháy rừng xảy ra trong năm để tạo lập khu vực phòng cháy. Điều này giúp hạn chế khả năng xảy ra cháy rừng khi đang tạo lập khu vực phòng cháy. Những khu vực này có thể giúp làm chậm các đám cháy, để mọi người có thời gian sơ tán và cho phép lính cứu hỏa tiếp cận khu vực cháy.

“Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên chúng tôi đã thực hiện và chúng tôi thấy rằng nó có hiệu quả. Khu vực phòng cháy đã ngăn cản bước tiến của cháy rừng” - ông Dave Gill, người phụ trách mảng lâm nghiệp của Ntityix Development, nói.

Vào năm 2015, ông Gill bắt đầu thành lập khu phòng cháy ở West Kelowna. Mục tiêu chính là ngăn chặn mọi đám cháy trên nền rừng.

“Nếu đám cháy chỉ lan bề mặt rừng thì việc ngăn chặn hoặc chữa cháy khá dễ dàng. Nhưng ngay khi ngọn lửa vươn cao hơn, mọi chuyện sẽ kết thúc” - ông Gill nói.

Dự án thành lập khu vực phòng cháy quyết định bảo tồn những cây trưởng thành có vỏ dày chống cháy. Theo đó, công ty khai thác gỗ Ntityix Development chỉ thu hoạch những cây non có giá trị thấp hơn, dễ cháy hơn. Đây được xem là một sự đảo ngược của tập quán lâm nghiệp truyền thống.

Trước khi làm việc cho Ntityix Development, ông Gill đã có mấy mươi năm kinh nghiệm làm việc trong chính quyền và tại các công ty lâm nghiệp. Ông Gill cho biết khoảng thời gian làm việc với những đồng nghiệp lớn tuổi và với người bản địa đã giúp ông thay đổi cách nghĩ về rừng.

“Chúng tôi để lại những cây có giá trị gỗ cao nhất. Đây là nỗ lực nhằm truyền tải một cách nhìn khác về rừng” - ông Gill nói.

Sau khi tỉa thưa khu rừng, đội công nhân của Ntityix Development đã cắt tỉa những cành cây vươn ra để chúng không trở thành thang cho lửa leo lên. Các mảnh vụn trên nền rừng cũng được dọn dẹp hoặc bị đốt bỏ.

Trong năm 2021, Canada đã chi hàng tỉ USD để dập tắt các đám cháy rừng, riêng tỉnh bang Bristish Columbia đã chi hơn 730 triệu USD.

Trong khi đó, khoản chi dành cho các biện pháp phòng cháy khiêm tốn hơn nhiều. Giá trị của các biện pháp phòng cháy này vẫn chưa được ngành lâm nghiệp Canada chấp nhận hoàn toàn.

Một khu vực phòng cháy ở British Columbia (Canada). Tại đây, cây cối được cắt tỉa, thảm thực vật trên nền rừng được dọn bớt. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một khu vực phòng cháy ở British Columbia (Canada). Tại đây, cây cối được cắt tỉa, thảm thực vật trên nền rừng được dọn bớt. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ông Mike Flannigan - nhà khoa học về cháy rừng tại ĐH Thompson Rivers ở Kamloops, British Columbia - cho biết hiệu quả của các khu vực phòng cháy đang có xu hướng giảm đi do quy mô ngày càng tăng của các vụ cháy rừng.

“Trừ phi bạn xử lý tốt phần cảnh quan, nếu không thì khu vực phòng cháy sẽ không hiệu quả vì ngọn lửa sẽ lan xung quanh hoặc nhảy qua khu vực này và lan rộng ra” - ông Flannigan nói.

Các biện pháp mà Ntityix Development và các công ty khác thực hiện cũng mất nhiều công sức và tốn kém nhiều tiền của. Ntityix Development đã cam kết chi 73.000 USD/năm để biến những con đường khai thác gỗ thành khu vực phòng cháy. Theo The New York Times, quá trình này có thể sẽ mất nhiều thập niên.

Tuy nhiên, so với việc chờ lửa lan rộng rồi dập tắt, thì các biện pháp như khu vực phòng cháy vẫn được đánh giá cao hơn.

“Nước và cây xanh là điều quan trọng nhất của chúng ta. Nếu chúng ta mất những thứ đó, tất cả chúng ta sẽ chết khá nhanh” - ông Craig Moore, người từng làm lính cứu hỏa ở tỉnh bang British Columbia, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm