Kỳ vọng chính quyền đô thị giúp Đà Nẵng tự chủ hơn

Từ ngày 1-7, TP Đà Nẵng chính thức triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) theo Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội (QH). Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ có một cấp chính quyền ở TP và hai cấp hành chính ở quận, phường khi không còn tổ chức HĐND quận, phường. Riêng huyện Hòa Vang vẫn tổ chức HĐND huyện, xã. Đây là lần thứ hai TP Đà Nẵng thí điểm mô hình này sau thời kỳ 2009-2016.

Mô hình chính quyền đô thị là một trong những đòn bẩy phát triển
TP Đà Nẵng trong tương lai. Ảnh: TẤN VIỆT

Giải quyết tốt công tác cán bộ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho hay TP Đà Nẵng luôn ý thức rằng hai lần thí điểm là cả hai lần tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

“Sở dĩ nói đây là hoạt động nghiên cứu khoa học vì khoa học bao giờ cũng xuất phát từ thực tiễn. Thực tiễn nước ta cho thấy đang có sự bất cập trong quản lý nếu cứ áp dụng chung một mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương chung cho cả đô thị và nông thôn, do đó đòi hỏi phải nghiên cứu để tìm ra mô hình tối ưu cho từng địa bàn” - ông Tiếng nói.

Theo ông Tiếng, công tác cán bộ là vấn đề quan trọng nhất trong quá trình triển khai mô hình CQĐT. Trước hết là việc giải quyết số cán bộ chuyên trách dôi dư do không tổ chức HĐND quận, phường. Tiếp đó là cần tập trung bồi dưỡng chức danh chủ tịch UBND quận, phường về việc thực thi chức trách người đứng đầu theo chế độ thủ trưởng cơ quan hành chính, thậm chí nên xây dựng hẳn một đề án tương tự như những đề án tạo nguồn cán bộ trước đây.

Ông Huỳnh Bá Cử, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, cho hay công tác cán bộ đã được tính toán kỹ lưỡng. Cụ thể, HĐND sáu quận có 18 người, mỗi quận có một phó chủ tịch HĐND cùng hai phó ban Kinh tế - Ngân sách và Pháp chế. Ở cấp phường có tổng số 45 người thì một người xin nghỉ chế độ, số còn lại đã được bố trí vào các vị trí tương xứng với chức danh trước đây.

Về các trụ sở HĐND quận, phường, ông Cử cho biết các trụ sở này đều nằm chung trong các trung tâm hành chính quận, phường nên sẽ được tính toán sử dụng hợp lý, không để lãng phí.

 

HĐND TP Đà Nẵng khóa X có 14 đại biểu chuyên trách, tăng một phó chủ tịch và năm đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước. Trong đó có một ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và bốn Thành ủy viên, tăng ba Thành ủy viên so với nhiệm kỳ trước. TP cũng giảm 69 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận, phường.

Ông BÙI VĂN TIẾNG, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng

Tự chủ để phát triển

Theo ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, việc thí điểm mô hình CQĐT lần này có nhiều khác biệt. Cụ thể, trước đây TP Đà Nẵng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, còn lần này các quy định đã rõ ràng hơn về mô hình chính quyền ở đô thị và chính quyền ở nông thôn.

Tổ chức bộ máy cũng đã tăng cường hơn vai trò, trách nhiệm của HĐND TP trong việc giám sát, cụ thể là tăng lực lượng đại biểu HĐND TP chuyên trách ở địa bàn. Những người hoạt động chuyên trách ở phường nâng lên thành công chức phường, được điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức. Ngoài ra, việc quản lý điều hành được xuyên suốt, chế độ chính sách thống nhất, nhiệm vụ quyền hạn cũng rõ ràng hơn.

“Quy định giám sát có những cuộc họp của UBND quận, phường được mời đại biểu HĐND TP phụ trách địa bàn cùng tham gia họp, giám sát năng lực. Đại biểu HĐND TP được quyền nghe chủ tịch UBND quận, phường báo cáo, thực hiện việc tín nhiệm” - ông Ngữ cho hay.

Cũng theo ông Ngữ, khi triển khai thí điểm mô hình CQĐT, chủ tịch UBND quận, phường thực hiện chế độ thủ trưởng cơ quan, chịu trách nhiệm cá nhân trước hết với toàn bộ hoạt động trên địa bàn. Do đó, trách nhiệm tổ chức triển khai nhiệm vụ rõ ràng hơn, nhanh hơn, quyết đoán hơn và thẩm quyền mạnh hơn.

Trong khi đó, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng trách nhiệm của HĐND TP sẽ nặng nề hơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, HĐND TP đã ban hành quy chế về hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP.

Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch triển khai các quy định của Nghị định 34/2021 và Nghị quyết 119/2020 của QH. Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức sơ kết quy chế phối hợp giữa HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Đoàn đại biểu QH và UBND TP trong phối hợp triển khai công tác giám sát.

Theo ông Triết, mô hình CQĐT không thể phát huy ngay tác dụng trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, chính quyền TP Đà Nẵng sẽ có tính chủ động, thẩm quyền rộng rãi hơn, tính tự chủ cao hơn, tận dụng tốt hơn nguồn lực ở trung ương và địa phương, đặc biệt là một số cơ chế chính sách đặc thù.

“Về lâu dài, TP Đà Nẵng vừa làm vừa có những kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Mô hình này có thể phát triển cao hơn, phát huy tính dân chủ, tự chủ của chính quyền địa phương. Đây là một trong những yêu cầu cao nhất trong thực hiện CQĐT” - ông Triết cho hay.

 

Nghị quyết 119/2020 của QH cho phép UBND TP Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nghị quyết này cũng cho phép HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư và 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm