Trước thềm năm học mới, học sinh (HS), phụ huynh, giáo viên (GV), cán bộ quản lý trên cả nước đặt ra những kỳ vọng cho ngành giáo dục.
Một môi trường học tập đúng nghĩa
Năm học này anh Nguyễn Công Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có con gái bước vào lớp 2. Bé đếm từng ngày để được dự lễ khai giảng năm học mới. “Gia đình đã chuẩn bị cặp sách, quần áo, dụng cụ học tập đầy đủ cho con, hy vọng con sẽ có một năm học với nhiều niềm vui” - anh Phương nói.
Nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên, nhắn nhủ đến các thầy cô, cán bộ quản lý, người lao động trong ngành giáo dục, các bậc phụ huynh, HS, sinh viên trên cả nước.
Bức thư có đoạn: “Một năm học bắt đầu, khởi nguồn cho những hy vọng mới. Tôi đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề mà ngành giáo dục lựa chọn năm nay, đó là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT”.
Tôi đề nghị toàn thể cán bộ quản lý, GV, nhân viên ngành giáo dục hãy nỗ lực tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với HS thân yêu, vì sự nghiệp trồng người vĩ đại.
Tôi mong muốn các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến sự học của con cái, làm gương tốt, vì tương lai con trẻ, vì sự vẻ vang của gia đình, dòng tộc, quê hương, đất nước...”.
Còn chị Nguyễn Phương Thảo (huyện Đông Anh, Hà Nội) hy vọng trong năm học mới, nhà trường sẽ minh bạch trong vấn đề thu chi. “Các trường nên quyết liệt đẩy lùi vấn nạn lạm thu, xây dựng mối liên kết vững mạnh giữa nhà trường và phụ huynh. Để từ đó giúp các con được sống và học tập trong môi trường công bằng, văn minh” - chị Thảo chia sẻ.
Năm học 2022-2023, chị Văn Thị Diễm (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có hai con bước vào lớp 6. Do các con học theo chương trình giáo dục mới nên sách giáo khoa (SGK) phải mua mới hoàn toàn. Theo chị Diễm, sách mới có mẫu mã đẹp nhưng giá không rẻ. Chị mua bộ SGK mới với giá 600.000 đồng, trong khi các năm học trước chỉ hơn 200.000
đồng/bộ. “Năm đầu tiên con theo học chương trình mới nên tôi cũng bỡ ngỡ. Mong rằng chương trình đổi mới sẽ giúp các con có nhiều trải nghiệm thú vị” - chị Diễm bày tỏ.
Là phụ huynh có con học lớp 10 tại TP.HCM, chị Đức Hạnh chỉ mong con đi học không bị áp lực quá nặng từ bài vở, chương trình, không bị quá tải về khối lượng lẫn sĩ số. Mong có một môi trường học tập vì HS một cách đúng nghĩa chứ không phải hô khẩu hiệu.
“Chúng ta không thể đòi hỏi một môi trường học tập như các trường quốc tế hay nước ngoài nhưng ít nhất đừng áp các con vào các chỉ tiêu, thành tích mà trường bị phân bổ. Hiện nay việc học hành đã được cải tiến nhiều nhưng áp lực vẫn khá lớn do khối lượng kiến thức quá nhiều. Việc cải cách diễn ra liên tục cả chục năm nhưng rõ ràng chưa hiệu quả. Việc thay đổi chương trình khiến phụ huynh và HS khá lúng túng, đặc biệt là lớp 10. Hy vọng theo thời gian mọi thứ sẽ ổn” - chị Hạnh nói thêm.
|
Các bé Trường Mầm non 30 Tháng 4, quận Bình Tân trong giờ chơi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Em Lê Vân Khánh Hà, HS Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM, rất háo hức trước thềm năm học mới. “Là HS lớp 12 nên em phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập lẫn phong trào. Em hy vọng trường sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh nhiều hơn vì hiện nay tụi em khá lúng túng trong chọn nghề” - em Hà nói.
Trăn trở trước chương trình mới
Với việc triển khai chương trình và SGK mới ở lớp 10, thầy Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM, cho biết áp lực công việc nhiều hơn. Trong đó, việc tiếp cận nội dung, công tác giảng dạy cũng cần điều chỉnh theo hướng nâng cao hơn, phù hợp với định hướng mục tiêu chương trình. “Tôi hy vọng các cấp, ngành quan tâm, thấu hiểu những áp lực và có biện pháp thích hợp để giảm bớt những công việc “không tên” như ghi sổ sách, giấy tờ, chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục hơn nữa. Bên cạnh đó, hiện nay giá cả tăng nhanh nhưng cơ chế tiền lương của GV chưa có chuyển biến nhiều. Vì thế, tôi mong các ban ngành cần chia sẻ, có chính sách hỗ trợ tích cực để có thể an tâm công tác, tận tâm với nghề” - thầy Thịnh bày tỏ.
|
Thầy Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM, nhận thức được vai trò của mình trong bối cảnh hiện tại, năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới ở lớp 10. Mỗi người thầy là một nhà sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy học để có thể phát triển được năng lực và phẩm chất của người học, qua đó xây dựng trường học hạnh phúc. Mỗi thầy cô sẽ là một tấm gương tự học và sáng tạo để mỗi HS có thể phát huy tinh thần tự học, sự chủ động, linh hoạt thích ứng với mọi tình huống. Ở thời đại công nghệ 4.0, kiến thức không còn là bài toán khó mà quan trọng hơn là sự kết nối giữa thầy và trò.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Võ Nu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP.HCM, cho biết năm học này chỉ có môn mỹ thuật và âm nhạc, nhà trường phải thỉnh giảng GV để đáp ứng nhu cầu của HS. “Năm nay, trường đặc biệt quan tâm đến HS lớp 10 vì các em tiếp cận chương trình mới. Nếu lớp 10 ổn định, các năm tiếp theo, việc thực hiện chương trình sẽ thuận lợi hơn. Hiện trường cũng đang lo lắng liệu trong quá trình học HS có thay đổi môn đã lựa chọn so với ban đầu, dù trường đã tư vấn rất kỹ cho phụ huynh lẫn HS, bởi nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn lớn” - ông Nu nói thêm.
“Việc triển khai chương trình mới ở lớp 10 sẽ mang lại nhiều điều tích cực và được HS ủng hộ” - ông Lâm Đức Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TP Cần Thơ, khẳng định. Theo ông Thành, HS sẽ được học các môn yêu thích, tiếp cận theo hướng đổi mới. Các em có cơ hội vận dụng kiến thức được học để giải quyết những vấn đề cụ thể. Điều đó sẽ giúp HS hào hứng, chú tâm nhiều hơn với việc học.
Với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ GV có kinh nghiệm, nhà trường kỳ vọng sẽ mang đến cho các em một môi trường học tập lành mạnh, chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất.
Khắc phục tình trạng thiếu GV, đảm bảo cơ sở trường lớp
“Năm học mới đã đến nhưng vẫn còn nỗi lo khi thiếu nhân sự cục bộ ở một số bộ môn, trong khi đó HS lại tăng so với những năm học trước” - ông Nguyễn Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, Hà Nội, chia sẻ.
Bên cạnh đó, tại một số trường cơ sở vật chất xuống cấp khó đảm bảo cho việc dạy học. Trường THCS Lý Thường Kiệt khởi công đã ba năm nhưng hiện vẫn chưa xây dựng xong giai đoạn 2 do chưa giải phóng được mặt bằng. Đây cũng là một trong những trăn trở của nhà trường khi nhu cầu của phụ huynh, HS mỗi ngày một tăng lên. “Hiện trường đang phải bố trí, thay đổi công năng sử dụng của một số phòng chức năng để bảo đảm chỗ học cho HS” - ông Cường nói.
Về vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Cường cho rằng cơ bản nhà trường đáp ứng được yêu cầu đặt ra, GV đã được tập huấn, bổ sung các chứng chỉ để phù hợp với chương trình. Tuy nhiên, nếu như GV được đào tạo theo hệ chính quy thì chất lượng giảng dạy HS sẽ tốt hơn.
Xây dựng trường học hạnh phúc
cần sự chung tay của cả xã hội
Điều tôi luôn suy nghĩ và trăn trở chính là việc xây dựng trường học hạnh phúc. Ở đó thầy cô được hạnh phúc với môi trường mình gắn bó, hạnh phúc với nghề, sống được với nghề, an tâm với nghề… HS được bình đẳng trong tiếp cận giáo dục để phát triển toàn diện. Những thách thức trên không có nghĩa là chúng ta không xây dựng được trường học hạnh phúc. Ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục còn cần sự chung tay của toàn xã hội, trao cho giáo dục, thầy cô một vị thế đúng với sứ mệnh của mình.
Làm thế nào để thầy cô sống được với nghề, hạnh phúc với nghề là bài toán luôn được ngành quan tâm. Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục có tham mưu, kiến nghị với UBND TP, HĐND TP để có thêm những chính sách chăm lo đời sống, nhằm tăng thêm thu nhập cho thầy cô. Song song đó, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để sớm đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 người dân trong độ tuổi đi học, nhằm kéo giảm sĩ số HS/lớp, tăng tỉ lệ HS học hai buổi/ngày... giảm áp lực đứng lớp cho thầy cô.
Về góc độ quản lý, Sở GD&ĐT TP sẽ tiếp tục có những hướng dẫn kịp thời để tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho thầy cô, tiếp tục trao quyền chủ động cho thầy cô khi thực hiện nhiệm vụ của mình, nhất là với những lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học mới, 35% hoạt động dạy học ở bậc trung học sẽ được TP thực hiện trên Internet, giúp thầy cô, HS chủ động hơn nữa trong việc dạy và học...
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Tăng cường xã hội hóa trong giáo dục
Hai năm trước, do dịch bệnh nên các trường không thể tổ chức khai giảng trực tiếp. Vì vậy, ngành giáo dục hy vọng lễ khai giảng hôm nay sẽ được tổ chức một cách trọn vẹn. Tinh thần tổ chức vừa trang trọng vừa gọn nhẹ, sau khai giảng bước vào năm học mới ngay. Lãnh đạo TP, các sở, ban ngành dự khai giảng tại các trường trên địa bàn để động viên thầy trò.
Về việc thiếu lớp học ở quận Liên Chiểu, do quận này gần nhiều khu công nghiệp, số lượng người lao động lớn nên có sự biến động về HS đến tuổi đi học, nhất là bậc tiểu học. Quận đã có kế hoạch mở rộng, xây thêm trường lớp. Giải pháp trước mắt là tăng sĩ số trong từng lớp để đáp ứng nhu cầu học tập. Ngành cũng đang vận động tổ chức có thể xã hội hóa, xây thêm trường để “chia lửa” với trường công lập, mục tiêu đáp ứng tốt nhu cầu của các em.
Ông MAI TẤN LINH, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng
“Nhìn một cách tổng thể, chương trình mới rất tốt nhưng về mặt con người chưa đáp ứng được đối với một số môn học mới như giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Đây là những môn học không có GV chuyên, phải bồi dưỡng GV từ các bộ môn khác đáp ứng” - ông Cường chia sẻ thêm.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội, hy vọng sẽ đưa được hệ thống giáo dục thông minh vào các trường để giảm bớt hồ sơ, sổ sách hiện nay. Ngoài ra, ở vùng xa, khó khăn… Chính phủ cần quan tâm hơn để các em không bị thiệt thòi. Đối với những khu đô thị như Hà Nội, hiện tình trạng quá tải đang diễn ra, do đó cần có cơ chế để tháo gỡ như trường học được nâng cao tầng, dành nhiều quỹ đất hơn để xây trường học, làm tốt hơn công tác xã hội hóa giáo dục…
“Đặc biệt, giáo dục sẽ được cơ chế tự chủ nhiều hơn về tài chính cũng như con người. Từ đó, các trường sẽ có đủ đội ngũ GV, không phụ thuộc vào định biên biên chế như hiện nay để tháo gỡ khó khăn đang mắc phải như hiện nay. Để khắc phục tình trạng thiếu GV, quận cho các trường vận động đội ngũ GV về hưu hợp đồng tham gia giảng dạy” - bà Hằng nói.•