Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh vừa cho ra mắt vở diễn mới nhất của mình với tên gọi Lạc dòng. Vở diễn đã kết thúc trong nước mắt của khán giả và những trăn trở của khán giả khi liên tưởng đến hiện thực hôm nay; đất lở chôn vùi ruộng vườn, nhà cửa và cả sinh mạng con người ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra.
Bối cảnh vở kịch xảy ra hơn 20 năm về trước, ở vùng sông nước miền Tây. Bà Tám Nho, một Việt kiều giàu có và một đại gia tên Thái ở Sài Gòn đã về miền Tây lập một trang trại nuôi heo thật lớn, đắp đê bao quanh trang trại này. Chính con đê đã chặn dòng nước của con sông quê, làm nước lạc dòng, xói hàm ếch, vườn tược, nhà cửa ven sông của người dân có nguy cơ lở đất, đổ sụp xuống sông.
Cảnh ông Sáu Yến đang bất lực khi con lạc lòng gây ra cảnh lạc dòng làm hại cho người thân, thôn xóm. Ảnh: Hòa Bình
Câu chuyện Lạc dòng xoay quanh gia đình ông Sáu Yến và gia đình ông Tấn, người ông Sáu Yến từng hứa hôn con trai mình; cùng đó là mắc xích với các tuyến nhân vật bà Tám Nho, người hùn vốn đầu tư trại heo.
Nghệ sĩ Bích Ngọc (phải) trở lại sân khấu sau hơn 15 năm với vai bà Tám Nho duyên dáng và giọng nói sân khấu rất đẹp. Ảnh:Hòa Bình
Bi kịch của Lạc dòng không chỉ là căn nhà bị nước cuốn trôi, xóm làng trôi theo đất lở mà còn là là sự lạc lòng vì tiền...
Tiếng nhân vật Hiền kêu con lạc giọng bên xác đứa trẻ, tiếng người dân vùng sông nước hoảng loạn kêu khóc, gọi nhau cứu người đã làm chấn động người xem và lấy nước mắt của khán giả.
Sự chấn động lòng người của cái kết này khiến không ít khán giả khi ra về bàn tán: Bây giờ đất vẫn lở mà. Bởi bối cảnh kịch xảy ra hơn 20 năm về trước, nhưng tính thời sự về sự lạc lòng của con người khi chạy theo lợi lộc, vật chất, phá hủy môi trường, bất chấp tình người ở ngày hôm nay vẫn đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Đất vẫn lở từng ngày ở đồng bằng sông Cửu Long và khắp đất nước với cảnh những ngôi nhà, những khu dân cư bị nhấn chìm phút chốc dưới lòng sông trước dòng nước lạc dòng hung hãn khi những nhân tai như nạn khai thác cát, đắp đê ngăn dòng…
Đoàn Thanh Tài diễn đôi cùng cô đào mới Lê Thúy, sau sự kết hợp ăn ý với Hoàng Vân Anh. Ảnh: Hòa Bình
Vở diễn con đem lại những cảnh diễn thắt lòng khi miêu tả thân phận của người nghèo cùng khổ ở những miền quê miền Nam. Hình ảnh mẹ con cô Hiền chật vật với phận nghèo khi đứa bé thèm khát miếng bánh ăn, còn thằng con trai thì phải lặn xuống sông mò phế liệu khiến người xem quặn thắt.
Vời tài diễn xuất gạo cội của mình, hai nghệ sĩ Thành hội, Ái Như đã đem lại những cảm xúc mãnh liệt cho khán giả. Nghệ sĩ Bích Ngọc của Đoàn kịch nói Kim Cương trước đây trở lại sàn diễn sau hơn 15 năm với vai bà Tám Nho đỏm dáng, gây được nhiều tiếng cười. Các diễn viên trẻ như Đoàn Minh Tài, Trần Khiết Hương, Hoài Thương, Nguyễn Long, Lê Thúy cũng đã sinh động trong vai diễn của mình đem lại không khí cho vở diễn.
Lạc dòng có tên cũ là Đất lở - một kịch bản được cố nhà văn Ngọc Linh viết từ hơn 20 năm trước. Năm 1997 nó từng được nghệ sĩ Ái Như dựng kịch truyền hình và được một số đoàn cải lương dựng vở. Sau hơn 20 năm, với sự biên tập lại của Hoàng Thái Thanh và bàn tay đạo diễn của nghệ sĩ Thành Hội, Đất lở đã thành Lạc dòng.