Lái máy kéo gây tai nạn trên rẫy, tội gì?

Ngày 14-4, TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ xử phúc thẩm vụ án về tai nạn giao thông hy hữu khiến hai cha con ông Dương Văn Thực (trú xã Cư Prao, huyện M’Đrắk) bị tù tội. Phiên tòa này mở ra để xem xét đơn kháng cáo kêu oan của cha con ông Thực.

Đi chở bắp gây tai nạn bị khởi tố

Theo hồ sơ, năm 2013, ông Dương Văn Thực mua một xe máy kéo để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chiếc xe không có biển kiểm soát. Hằng ngày ông Thực giao xe máy kéo cho con trai là Dương Xuân Thi (chưa có bằng lái xe B1) điều khiển để cày đất phục vụ sản xuất.

Ngày 9-1-2016, Thi điều khiển xe máy kéo cùng gia đình đi thu hoạch bắp tại thôn 4, xã Cư Prao. Quá trình thu hoạch có Trần Tuấn Anh (bạn của Dương Văn Thụ, em trai Thi) đến phụ giúp bốc bắp lên xe. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, việc bốc bắp lên xe hoàn thành. Tuấn Anh và Thụ sau đó đi bộ dọc rẫy ra tỉnh lộ 13 ngồi chờ Thi điều khiển xe máy kéo ra rồi bốc cỏ lên cùng về.

Tại đây, Tuấn Anh và Thụ ngồi trên hai bó cỏ chờ đợi. Khi Thi điều khiển xe đến nơi, Tuấn Anh và Thụ vẫn ngồi yên trên hai bó cỏ vì nghĩ Thi sẽ dừng xe lại. Thi nhíu mày ra hiệu cho Tuấn Anh rụt chân lại để xe chạy qua nhưng Tuấn Anh vẫn ngồi im. Khi xe đến gần, Thụ nhảy tránh được, riêng Tuấn Anh nằm xuống, giơ chân lên để tránh nhưng bị bánh sau của xe cán qua chân trái, bị thương tích 38%.

Ông Thực bị VKSND huyện M’Đrắk truy tố tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; Thi bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Cha con ông Thực trên đoạn đường rẫy, nơi xảy ra tai nạn. Ảnh: ĐẠI DŨNG

Hai cha con cùng kháng cáo kêu oan

Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo cho rằng cơ quan tố tụng buộc tội mình là không thỏa đáng. Luật sư thì cho rằng VKS truy tố các bị cáo hai tội danh nói trên là chưa thuyết phục.

Theo luật sư, việc người bị hại tưởng xe dừng lại là vô lý, bởi theo phản xạ tự nhiên, khi thấy nguy hiểm thì phải tránh, “tại sao Dương Văn Thụ tránh được mà Trần Tuấn Anh không tránh được?”. Luật sư cho rằng việc Tuấn Anh bị tai nạn không phải do lỗi của Thi và đề nghị tòa tuyên cha con ông Thực vô tội.

Tuy nhiên, TAND huyện M’Đrắk đã không chấp nhận quan điểm bào chữa này. Tòa tuyên phạt Thi một năm ba tháng tù giam; phạt ông Thực 10 triệu đồng và buộc ông bồi thường hơn 138 triệu đồng cho bị hại.

Sau khi TAND huyện M’Đrắk tuyên án, các bị cáo đã kháng cáo kêu oan. Trong đơn, bị cáo Thi đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng không khách quan, chưa đánh giá đúng chứng cứ dẫn đến oan, sai.

Bị cáo Thi trình bày: Hồ sơ vụ án thể hiện Dương Văn Thụ (người làm chứng) và Trần Tuấn Anh (bị hại) ngồi cách nhau chỉ 30 cm. “Khi xe của tôi chở đầy bắp đến gần, Thụ kêu Tuấn Anh ngồi lui ra để xe đi nhưng Tuấn Anh vẫn không tránh. Mặt khác, xe chở đầy bắp đang lên dốc với địa hình hiểm trở, việc dừng lại giữa dốc là không thể. Hơn nữa, Tuấn Anh thấy và biết xe kéo đang đi đến chỗ mình ngồi là nguồn nguy hiểm cao độ, lẽ ra phải tránh nhưng vẫn cố ngồi duỗi chân ra đường” - bị cáo Thi dẫn chứng và cho rằng lỗi thuộc về bị hại chứ không phải lỗi do mình.

Còn ông Thực thì cho rằng cơ quan tố tụng chưa khách quan trong việc đánh giá chứng cứ, suy luận theo hướng có tội dẫn đến việc truy tố ông chưa thỏa đáng.

“Nếu chưa đủ căn cứ pháp lý để buộc tội Thi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì cũng chưa đủ cơ sở buộc tôi phạm tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. tòa không thể buộc tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự” - ông Thực trình bày.

Chúng tôi sẽ thông tin khi có kết quả của phiên tòa phúc thẩm.

Máy kéo đi rẫy có phải là tham gia giao thông?

ý kiến cho rằng trong vụ án này cơ quan tố tụng huyện M’Đrắk, Đắk Lắk áp dụng tội danh đối với bị cáo Dương Xuân Thi (con ông Dương Văn Thực) chưa chuẩn. Bởi lẽ xe máy kéo di chuyển trên đường rẫy, đường rừng thì không phải là đang tham gia giao thông.

Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao và TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIX BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông) hướng dẫn khá rõ thế nào là phương tiện không tham gia giao thông. Theo đó, trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Khi đó, người điều khiển sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội vô ý làm chết người, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới