Lại nháo nhác chạy trốn động đất

“Trong ngày 6-9 đã xảy ra bốn trận động đất gần khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2, cường độ mạnh nhất ghi nhận được là 3,4 độ Richter. Tâm chấn xảy ra ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Như vậy, trong hơn một năm qua có đến 58 trận động đất xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Riêng từ ngày 3 đến 6-9 đã xảy ra 12 trận động đất” - Viện Vật lý Địa cầu cho biết trong ngày 6-9.

Có nhà mà không dám ở

Sáng 6-9, có mặt tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), chúng tôi thấy rõ vẻ sợ hãi trong mắt người dân ở đây. Nhiều người lo lắng đến mức bỏ cả công ăn việc làm. Từ chợ Trà My đến các xã Trà Sơn, Trà Tân, Trà Đốc, Trà Giác…, đâu đâu cũng thấy mọi người tụ tập bàn tán.

“Không biết động đất kiểu gì mà kéo dài mãi chẳng chịu dừng. Ngồi trong nhà tôi khiếp vía khi nghe mái ngói kêu lọc xọc, cột nhà rung bần bật. Kinh khủng thế nhưng chẳng thấy ai nói gì cho dân yên tâm cả” - ông Trần Thanh Thu (thị trấn Trà My) bồn chồn. Còn chị Trịnh Thị Hà (xóm 6, xã Trà Tân) cho hay: “Lúc 7 giờ 20, cả huyện đang làm lễ xuất quân tiễn thanh niên nhập ngũ thì động đất xảy ra. Chiếc xe chở bộ đội để trong sân rung lên như muốn nhảy chồm khỏi mặt đất. Mọi người chạy tán loạn, nhà cửa lắc lư như người say”.

Theo người dân, trong bốn trận động đất vào ngày 6-9, có một trận phát ra tiếng nổ rất to, tương đương trận động đất 4,2 độ Richter tối 3-9. Trận động đất đó đã gây chấn động đến các huyện lân cận như Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nam Trà My. Hầu hết căn nhà dưới chân đập đều nứt nẻ nặng nề. Nhiều gia đình phải bỏ đến nhà người thân trú ngụ vì sợ nhà sập.

Nhà dân sống gần khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt. Ảnh: L.PHI

“Động đất xảy ra một hồi lâu, sau đó mới xuất hiện tiếng nổ rất to làm lũ chó hoảng sợ sủa vang rừng. Giờ cứ nghe dưới đất rung rần rần là ai nấy vội tháo chạy ra đường. Chỉ sợ mai mốt động đất xảy ra buổi tối, lại mất điện nữa thì chẳng biết đường nào mà chạy” - ông Hồ Văn Xếp, sống gần chân đập, lo lắng.

Tỉnh lo đối phó, EVN vẫn bảo “an toàn”

Rất nhiều học sinh đã khóc nức nở khi động đất xảy ra, buộc các cô giáo phải vất vả trấn an tâm lý các em. Lãnh đạo huyện cũng nhận được rất nhiều tin nhắn của người dân bày tỏ sự lo lắng cho tính mạng của mình.

Một cán bộ huyện Bắc Trà My, Quảng Nam

Ngay trong ngày 6-9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và Sở NN&PTNT tỉnh đã lên khu vực động đất để nắm tình hình. Ban Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh lập tức có văn bản phổ biến kiến thức và cách phòng tránh động đất cho nhân dân.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng gấp rút gửi báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất tại Bắc Trà My và kiểm tra an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2; yêu cầu Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 khẩn trương báo cáo tình hình an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2 để giải tỏa tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân trong vùng.

Đến chiều tối cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông báo khẳng định: Nguyên nhân xảy ra các trận động đất có thể do có những bất ổn tại đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, Hưng Nhượng - Tà Vi, nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2. Các đứt gãy này có khả năng phát sinh động đất có độ cực đại 5,5 độ Richter. Tuy nhiên, EVN đã kiểm tra các hạng mục công trình của thủy điện Sông Tranh 2 và nhận định các đợt rung chấn vừa qua không gây ảnh hưởng đến công trình. Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt bốn trạm quan trắc động đất trong thân đập để ghi nhận, đánh giá và phân tích khi động đất kích thích xảy ra.

EVN cho biết thêm, Thủ tướng giao cho Bộ KH&CN phối hợp với Viện KH&CN Việt Nam tổ chức nghiên cứu đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My. Công việc này sẽ thực hiện trong năm 2013.

Động đất rất đáng quan ngại

Tôi có một loạt câu hỏi cần được các cơ quan có trách nhiệm giải thích rõ bằng luận cứ khoa học để người dân an tâm. Cụ thể, tại sao khi chưa có thủy điện thì không có động đất, còn bây giờ lại diễn ra thường xuyên? Các nhà khoa học nói là do động đất kích thích và sẽ giảm dần nhưng sao bây giờ lại ngày một mạnh lên? Ai dám chắc động đất sẽ không mạnh lên nữa và vượt ngưỡng chịu đựng của đập?

Theo tôi, một công trình được xây dựng trên một đới đứt gãy, địa chất không ổn định là một vấn đề rất đáng quan ngại. Động đất liên tục trong thời gian qua tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chứng tỏ nơi đây có vấn đề. Nếu Hội đồng nghiệm thu nhà nước vẫn khẳng định đập đã an toàn rồi thì nên cho người dân biết mức độ an toàn đó là bao nhiêu năm để chính quyền, người dân có sự chuẩn bị.

Ông LÊ TRÍ TẬP, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Sẽ còn xảy ra động đất

Các trận động đất vừa qua vẫn nằm dưới ngưỡng tối đa chịu đựng của thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, đây là hiện tượng đáng lo ngại và rất cần có đoàn khảo sát theo dõi kỹ lưỡng diễn biến động đất trong những ngày tới. Trong ngày 7-9, Viện Vật lý Địa cầu cử một đoàn công tác vào Quảng Nam để khảo sát thực tế.

Nguyên nhân những đợt rung động vừa qua là do hồ chứa nằm trong vùng đứt gãy. Tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ và làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Khi đứt gãy hoạt động trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gãy (dù là nhỏ) dẫn tới dịch trượt làm phát sinh động đất.

Vì vậy, thời gian tới khu vực quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2 sẽ thường xuyên xảy ra động đất kích thích nhưng sẽ giảm dần theo thời gian và khó vượt quá ngưỡng 5,5 độ Richter.

TS LÊ HUY MINH, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu

LÊ PHI - NAM GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới