Nhiều góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp được đưa ra tại hội thảo khoa học chủ đề “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn COVID-19”, do Trường ĐH Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sáng 20-5 tại TP.HCM.
TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ để ngăn chặn lây lan và kiểm soát dịch bệnh.
Chính sách tiền tệ có Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Chính sách tài khóa và an sinh xã hội kịp thời, quy mô lớn (khoảng 4,3% GDP), nhiều nội dung chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, theo TS Sơn, việc cắt giảm lãi suất không đáng kể khiến cho lãi vay vẫn là gánh nặng lớn cho bên đi vay. Về chính sách tài khóa, việc giảm, giãn và hoãn thuế, giảm tiền thuê đất chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của doanh nghiệp, không có tác dụng tức thời làm tăng dòng tiền vào của doanh nghiệp.
Vì vậy, TS Sơn đề xuất Chính phủ cần có chính sách tài khoá trung hạn cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về năm trước. Theo đó, Bộ Tài chính nghiên cứu cho phép doanh nghiệp chủ động chuyển lỗ về năm trước (2019 và 2018) hoặc năm sau (2021, 2022 và 2023) trong hạn định 5 năm. Từ đó góp phần tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp do được hoàn thuế và ngăn dòng tiền ra do giảm thuế thu nhập.
Ngoài ra, TS Sơn cũng kiến nghị cần bố trí một khoản mục chi tái thiết kinh tế trong dự toán ngân sách thời kỳ 2021-2026 dưới hình thức hỗ trợ lãi suất, giảm và giãn thuế…
Lãnh đạo ngành ngân hàng, thuế cùng doanh nghiệp góp ý chính sách giúp phục hồi nền kinh tế giai đoạn dịch COVID-19 tại hội thảo sáng 20-5. Ảnh: QH
Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm, hiện nay NHNN đã có lộ trình giảm dần vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn trước đây chiếm 60%, giờ chỉ còn 40%, ngày 1-10-2020 chỉ còn 37%, và ngày 1-10-2021 chỉ còn 34%...
Tuy nhiên, dịch COVID-19 là yếu tố bất ngờ, thiệt hại 2 tháng nhưng doanh nghiệp có thể mất tới 2 năm để phục hồi. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn NHNN xem xét gia hạn thêm mức huy động ngắn hạn trên 40% kéo dài thêm. Dưới góc độ doanh nghiệp thì đề xuất mức huy động ngắn hạn cho vay dài hạn có thể có độ trễ thêm hai năm, tức là đến ngày 1-10-2021 mới tiếp tục giảm.
Theo ông Thắng, điều doanh nghiệp cần lúc này là làm sao được giảm lãi suất họ đang vay xuống. Ví dụ, hiện nay doanh nghiệp đang trả lãi 1 triệu đồng/tháng thì giảm chỉ còn phải trả 750.000 đồng/tháng, ngân hàng chấp nhận “hy sinh” giảm lãi suất 25% như một số ngân hàng đã thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Mong muốn ngân hàng chấp nhận “hy sinh” giảm lãi suất cho vay trong vòng 3 tháng thì thực sự giúp các doanh nghiệp hiện đang chịu gánh nặng lãi vay rất lớn" - ông Thắng chia sẻ.
(PL)- “Ngân hàng không lo tết cấp trên, mà lo cho cấp dưới!” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.