Lãi suất huy động rục rịch ‘quay xe’

(PLO)- Nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, song mức tăng không đáng kể và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng vẫn lẹt đẹt từ 4,7 – 5,2%/năm.

Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3-2024, tổng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đạt khoảng 13,4 triệu tỉ đồng, giảm 0,76% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng thời điểm này của năm ngoái huy động vốn tăng gần 1,2%.

Loạt ngân hàng nhanh tay tăng lãi suất

Mới đây nhất, PVComBank vừa trở thành ngân hàng tiếp theo tăng lãi suất huy động từ 0,2 – 0,3%/năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi online của các kỳ hạn từ 1-5 tháng được điều chỉnh lên mức 3,15%/năm, cao hơn 0,3%/năm so với hình thức gửi trực tiếp tại quầy.

Thậm chí, lãi suất tiền gửi qua kênh online tại các kỳ hạn 18-36 tháng còn được nhà băng này tăng thêm 0,2%/năm, hiện niêm yết ở mức 5,3%/năm và mức lãi suất này cao hơn tới 0,5%/năm so với hình thức gửi trực tiếp tại các phòng giao dịch, chi nhánh... Riêng các kỳ hạn từ 6-11 tháng, PVComBank vẫn giữ nguyên lãi suất huy động ở mức 4,3%/năm và kỳ hạn 12 tháng lãi suất 4,8%/năm.

Ngân hàng Bản Việt cũng điều chỉnh tăng của tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, ngân hàng này cộng thêm 0,05%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-11 tháng, đưa lãi suất dao động từ 2,85 – 4,55%/năm. Riêng các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng được nới thêm 0,1%/năm, niêm yết lần lượt ở mức 4,1%/năm và 4,7%/năm.

Đối với các kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng được ngân hàng Bản Việt niêm yết mức lãi suất là 5,05%/năm, 5,25%/năm và 5,35%/năm, cao hơn biểu lãi suất cũ là 0,05%/năm.

Cách đây không lâu, VPBank cũng công bố lãi suất huy động mới được điều chỉnh theo xu hướng tăng. Theo đó, những khách hàng có mức tiền gửi dưới 10 tỉ đồng, chọn kỳ hạn 1-5 tháng và gửi tại quầy sẽ được nhận lãi suất từ 2,6 – 2,9%/năm, còn chọn hình thức gửi online sẽ được trả với lãi suất từ 2,7 – 3%/năm, cao hơn 0,2 – 0,3%/năm so với trước. Riêng các kỳ hạn từ 6-11 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 4,2%/năm, 12-18 tháng là 4,8%/năm và 24-26 tháng là 5,2%/năm.

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đang dần tăng. Ảnh minh hoạ

Thậm chí, để hút khách VIP gửi tiền, có ngân hàng còn đẩy lãi suất tiền gửi lên đến 9,5%/năm. Đối với chính sách này có thể kể đến ngân hàng PVComBank, ngân hàng An Bình. Tại, PVComBank, những ai gửi tiền từ 2.000 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng sẽ được nhận lãi cuối kỳ lên đến 9,5%/năm. Nhưng nếu dưới mức tiền này, lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ có 4,5%/năm và 13 tháng là 4,7%/năm.

Còn tại ngân hàng An Bình, khách hàng nào gửi tiền từ 1.000 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng sẽ được nhận mức lãi là 6%/năm.

Đáng chú ý, Vietinbank là “ông lớn” duy nhất trong nhóm Big 4 cũng gia nhập xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất trong lần này. Tuy nhiên, nhà băng này điều chỉnh tăng 0,2%/năm cho hình thức gửi trực tuyến, trong khi vẫn giữ nguyên biểu lãi suất tiền gửi tại quầy. Theo đó, những ai chọn hình thức gửi tiết kiệm online, sẽ được Vietinbank trả lãi suất là 1,9%/năm cho các kỳ hạn 1-2 tháng, 2,2%/năm cho kỳ hạn từ 3 – 5 tháng và 3,2%/năm cho kỳ hạn 6 - 11 tháng là 3,2%/năm và 5%/năm của 24-36 tháng.

Riêng các kỳ hạn 12-18 tháng được Vietinbank áp dụng chung mức lãi suất là 4,7%/năm cho cả hình thức gửi trực tuyến hay tại quầy.

Trong khi đó, 3 “ông lớn” còn lại là BIDV, Vietcombank và Agribank vẫn giữ nguyên lãi suất cũ, đồng thời không phân biệt lãi suất trực tuyến hay online.

Xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất huy động lan rộng hơn, bởi trong hai tháng trở lại đây đã có khoảng gần 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi như MSB, Eximbank, VPBank, SHB, Saigonbank, KienLong Bank, HDBank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, Bản Việt, PVComBank, VietinBank… với biên độ tăng từ 0,1-0,5%/năm tuỳ kỳ hạn, tuỳ ngân hàng.

Nhưng không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay

Nhận định về xu hướng lãi suất trong thời gian tới ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết: "Tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến hết năm là 13,5 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 13% so với một năm trước đó. Lượng tiền gửi vào hệ thống trong năm ngoái tăng mạnh như vậy, chủ yếu là do lãi suất huy động từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 neo ở mức cao, có thời điểm lên tới 9,5-10%/năm.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay mặt bằng lãi suất huy động giảm liên tục và hiện đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, kéo theo lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cũng giảm xuống. Khi dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng giảm đi, nó có xu hướng chảy sang một số kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán và đặc biệt là vàng. Như chúng ta thấy là vàng trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng tới 23% và như vậy, chỉ cần nắm vàng từ đầu năm đến giờ thì nhà đầu tư đã có lời khoảng 23% rồi.

Còn lại, tiền gửi ngân hàng từ giờ đến cuối năm nếu các ngân hàng muốn phục hồi thì chắc chắn phải tăng lãi suất huy động từ 0,5-0,8%/năm, nhưng lãi suất cho vay chỉ nhích nhẹ, do cầu tín dụng hiện vẫn còn yếu”, ông Hoè nhấn mạnh.

Các chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital cũng cho rằng sau mức giảm mạnh 70- 90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đây có thể được coi như một đợt “điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất” để giảm bớt áp lực tỉ giá.

Tương tự, nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KBSV cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đáy và sẽ nhích nhẹ trong thời gian còn lại của năm.

Theo ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB cho rằng, khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý, song mức tăng lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.

Lý giải về việc nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian ngắn trở lại đây đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nêu quan điểm: “Việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tuỳ thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng.

Nhưng khi điều chỉnh tăng lãi suất có nghĩa là các ngân hàng dự báo lãi suất trong thời gian tới sẽ đi lên và bây giờ họ nâng lãi suất huy động để đón dòng vốn giá rẻ. Bên cạnh đó, tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài cao hơn so với kỳ hạn ngắn còn giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn.

Do đó, việc tăng lãi suất huy động lần này khó tác động mạnh đến lãi suất cho vay. Bởi cầu tín dụng còn đang yếu như vậy, nếu ngân hàng tăng lãi suất thì ai dám vay nữa. Hiện nay, các nhà băng đang cạnh tranh nhau cả về lãi suất, dịch vụ để tìm kiếm khách hàng, nhất là những khách hàng có tình hình tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi, chắc chắn phía ngân hàng sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cho vay ngang giá vốn và bù đắp phần nào đó từ các loại phí, dòng tiền gửi không kỳ hạn...”, vị lãnh đạo ngân hàng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới