Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

(PLO)- Tỉnh Lâm Đồng hiện có 1.131 nguồn phóng xạ, trong đó có 243 nguồn đang sử dụng và 888 nguồn đang lưu giữ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-12, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, đã tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2023.

Theo Ban tổ chức, hiện cả nước có hơn 600 cơ sở sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ với 5.400 nguồn phóng xạ, trong số này có 2.000 nguồn đang sử dụng và hơn 3.000 nguồn đang được lưu giữ tạm thời.

Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân
Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2023. Ảnh: VT

Riêng địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.131 nguồn phóng xạ (chiếm khoảng 20,9% nguồn phóng xạ cả nước), trong đó có 243 nguồn đang sử dụng và 888 nguồn đang lưu giữ.

Các nguồn phóng xạ trên địa bàn Lâm Đồng đang được lưu trữ và sử dụng tại chín cơ sở.

Cụ thể, hai cơ sở nghiên cứu, đào tạo (Viện Nghiên cứu hạt nhân, Đại học Đà Lạt); một cơ sở soi chiếu, an ninh hải quan (Cảng hàng không Liên Khương).

Ba cơ sở ứng dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ trong công nghiệp (Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty Bia Sài Gòn - Lâm Đồng).

Ba cơ sở sử dụng thiết bị phân tích huỳnh quang tia X nhằm xác định tuổi vàng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Vạn Kim).

sự cố
Lâm Đồng chủ động trong mọi tình huống liên quan đến phóng xạ, hạt nhân

Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng có gần 200 thiết bị bức xạ đang sử dụng tại 78 cơ sở và tổ chức có sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.

Ban tổ chức thông tin mục đích của việc diễn tập là để chuẩn bị ứng phó sự cố hạt nhân, phóng xạ hay sự cố thông thường. Việc này còn bảo đảm những vấn đề được chuẩn bị sẵn sẽ thích hợp với ứng phó kịp thời, có tổ chức, có kiểm soát, có phối hợp và thực hiện hiệu quả ngay tại hiện trường ở cả mức độ ứng phó cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.

Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân
Các lực lượng tham gia buổi diễn tập. Ảnh: VT

"Công việc chuẩn bị ứng phó sự cố gồm rất nhiều nội dung nhưng việc diễn tập ứng phó sự cố là một trong những yếu tố quan trọng của việc chuẩn bị. Thông qua diễn tập, tính hợp lý của các tổ chức ứng phó, kế hoạch ứng phó khẩn cấp và các hành động cụ thể khi xảy ra sự cố sẽ được xác nhận" - Ban tổ chức thông tin.

Cũng theo Ban tổ chức, việc diễn tập này còn cung cấp cơ hội luyện tập trong những tình huống gần giống với thực tế, phát huy những ý tưởng mới giúp cải tiến công việc ứng phó sự cố.

Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân
Diễn tập năm 2023 được tổ chức tại Viện nghiên cứu hạt nhân ở TP Đà Lạt. Ảnh: VT

Mặt khác, diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với quá trình đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ.

Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức tác nghiệp giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh.

Thông qua diễn tập còn giúp đánh giá sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh đã được phê duyệt với điều kiện thực tế, từ đó điều chỉnh, bổ sung kịp thời, góp phần hoàn thiện kế hoạch trong những năm tiếp theo.

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, sau 40 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, góp phần đưa kỹ thuật hạt nhân vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng.

Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân
Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Ảnh: VT

Trong đó, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã làm chủ trong công tác vận hành, các kỹ thuật tính toán, thiết kế lò phản ứng nghiên cứu và các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống công nghệ Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; đảm bảo Lò vận hành gần 70.000 giờ an toàn và hiệu quả.

Đơn vị cũng làm chủ công nghệ sản xuất một số loại thuốc phóng xạ (I-131, Tc-99m, P-32...) và KIT cung cấp cho các bệnh viện trong nước kể cả xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh hiểm nghèo.

Viện cũng cung cấp khoảng 14.000 Ci thuốc phóng xạ cho 23 bệnh viện trong cả nước với tần suất hàng tuần.

Việc này đã góp phần thúc đẩy sự hình thành hệ thống các khoa y học hạt nhân trên khắp cả nước. Phát triển và ứng dụng thành công các kỹ thuật phân tích hạt nhân và liên quan, công nghệ đánh dấu đồng vị phục vụ nghiên cứu khoa học và dịch vụ cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, địa chất, dầu khí, môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm